Vietcombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng tín dụng trên 14%
Sáng 10/1, Ngân hàng TMCP Vietcombank tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020. Theo đó, kết thúc năm 2019, lợi nhuận Vietcombank đạt 22.717 tỷ đồng, tăng 26%. Lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 23.155 tỷ đồng, về đích lợi nhuận tỷ USD trước một năm so với kế hoạch.
Cán đích tỷ USD lợi nhuận
Với con số trên, lợi nhuận của Vietcombank đã tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015- thời điểm khởi động kế hoạch cơ cấu lại Vietcombank giai đoạn 2015-2020 theo phương án NHNN phê duyệt. Chỉ số ROAA, ROAE đạt tương ứng là 1,59% và 25,51%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn so với mặt bằng chung.
Về nguồn vồn huy động và cho vay, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT VietcomBank thông tin, dù lãi suất thấp nhất thị trường song huy động vốn của Vietcombank vẫn tăng mạnh. Tổng huy động vốn của Vietcombank đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2018. Trong đó, huy động vốn trên thị trường I đạt gần 950 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2018. Đặc biệt, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn chiếm tới 27,6% trong tổng số vốn huy động.
Tín dụng tăng 15,9%, cao nhất trong các ngân hàng lớn, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch mạnh mẽ: lần đầu tiên tín dụng bán lẻ chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng bán buôn (51,8%). Trong năm 2019, tín dụng bán buôn của Vietcombank chỉ tăng 2,3% trong khi tín dụng bán lẻ tăng tới 32,3%.
Hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khả quan: các hoạt động thanh toán quốc tế, thanh toán thương mại, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng điện tử, thẻ, kiều hối đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước, gia tăng đóng góp vào thu dịch vụ cho ngân hàng.
Được biết, năm 2019, thu nhập từ phi tín dụng của Vietcombank chiếm 39,2% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh Trong đó, thu thuần từ hoạt động đầu tư chiếm hơn 16,5% thu nhập hoạt động kinh doanh. Thu thuần dịch vụ và thu khác chiếm 22,67% thu nhập hoạt động kinh doanh, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, chất lượng nợ xấu của Vietcombank được kiểm soát chặt chẽ, thu hồi nợ xấu và nợ ngoại bảng đạt kết quả tốt. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chi còn 0,77%, giảm so với mức 0,97% cuối năm 2018.
Quỹ dự phòng rủi ro dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 10.417 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng đạt mức cao: 182,8%. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt hơn 3.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch được giao.
Xin tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Tổng Giám đốc Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 15% tương đương khoảng 26.565 tỷ đồng. Tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14%, nợ xấu dưới 0,8%.
Để Vietcombank khai thác hết tiềm năng của mình, tại Hội nghị sáng nay, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng đưa ra một số đề nghị với cơ quan quản lý.
Thứ nhất, về tăng vốn cho các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, Hiện Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép Vietcombank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 91. Lãnh đạo Vietcombank đề nghị NHNN chỉ đạo các đơn vị, nhất là Cơ quan Thanh tra giám sát sớm xem xét bộ hồ sơ đề nghị tăng vốn của Vietcombank để chấp thuận triển khai ngay khi Nghị định 91 chính thức được sửa đổi.
Thứ hai, Vietcombank là một trong hai ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II. Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống và thường xuyên đi đầu về hạ lãi suất cho vay. Vì vậy, lãnh đạo Vietcombank đề nghị NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Vietcombank năm 2020 cao hơn mức bình quân của ngành (tức cao hơn 14%) để ngân hàng khai thác hết tiềm năng của mình.
Liên quan đến các vấn đề này, tham dự chỉ đạo tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Chính phủ cho phép Vietcombank được giữ lại một tỷ lệ phần trăm nhất định của lợi nhuận để tăng vốn. Hiện tại Bộ Tài chính đang thực hiện điều chỉnh Nghị định để có thể thực hiện tăng vốn cho nhóm ngân hàng có vốn sở hữu của Nhà nước.
"Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi được duyệt tăng vốn, ngân hàng cần kiểm soát tốt sự tăng trưởng của tài sản có rủi ro, cùng với đó là nỗ lực thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành hiện tại theo đúng chỉ đạo của NHNN và đề án tái cơ cấu", Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo.
Ngoài ra, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chỉ ra một số vấn đề khác mà Vietcombank cần chú ý trong thời gian tới. Đặc biệt là việc quán triệt các Nghị quyết của Chính Phủ và Chỉ thị 01 của NHNN trong năm để bám sát các chỉ đạo xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Đồng thời, luôn luôn phát huy tích cực vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường ngân hàng trong đó có việc giảm lãi suất cho vay, làm sao để giảm lãi suất cho vay phải thực chất.
Về hoạt động tín dụng, Vietcombank cần tập trung tín dụng lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế và tiếp tục kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước đã được NHNN nhiều lần đưa cảnh báo.