Chủ tịch BIDV, Vietcombank “tái” kiến nghị tăng vốn bằng cổ phiếu
Sáng nay ngày 02/01/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020.
Kết quả điều hành chính sách tiền tệ 2019
Báo cáo tại Hội nghị, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong năm 2019 NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và chính sách kinh tế vi mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Về kết quả đạt được, năm 2019 thị trường tiền tệ và ngoại tệ duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 2,01%, tạo dư địa thuận lợi để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt trong điều kiện ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát CPI ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Về lãi suất, trong năm qua đã điều chỉnh giảm nhiều loại lãi suất. Cụ thể từ ngày 16/9/2019 NHNN đã giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành, từ 19/11 giảm 0,2 – 0,5% trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5% trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75% lãi suất thị trường mở. Nhờ vậy mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm khi các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 – 0,5%/năm, lãi suất cho vay ưu tiên giảm 0,5%, các ngân hàng có thị phần lớn đã có tới 3 lần giảm lãi suất ưu đãi.
Về tỷ giá, trong bối cảnh có nhiều biến động từ thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các TCTD bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng đầy đủ, thanh khoản dồi dào, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ nâng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục hơn 79 tỷ USD.
Tín dụng được điều hành và kiểm soát chặt chẽ. Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng xấp xỉ 14%, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn chỉ còn 4,59%. Tín dụng đen được đẩy lùi.
Công tác tái cơ cấu các TCTD được đẩy mạnh, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm, quy mô của hệ thống tang lên, năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản ý rủi ro từng bước được nâng cao tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Các ngân hàng tiếp tục xin tăng vốn bằng cổ phiếu
Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, bên cạnh đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, lãnh đạo nhiều ngân hàng lớn tiếp tục nêu ra vấn đề tăng vốn điều lệ, cho thấy đây vẫn là vấn đề bức thiết nhất của các ngân hàng có vốn nhà nước.
Trong năm 2019, BIDV hoàn tất thương vụ bán vốn kỷ lục, thu về hơn 20.300 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ của BIDV lên trên 40.220 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phan Đức Tú Chủ tịch HĐQT BIDV kiến nghị, Chính phủ sớm xem xét cho BIDV được tăng vốn bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, các thủ tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động cũng cần đơn giản hơn nữa.
"Ngoài việc xem xét cấp vốn điều lệ thông qua cấp vốn trực tiếp, trả cổ tức bằng cổ phiếu, cấp có thẩm quyền cần giảm thủ tục hành chính trong việc xét duyệt phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động", ông Tú đề cập.
Tương tự, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng tái đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Ông Thành nói, "Mặc dù việc tăng vốn của các NHTM có vốn nhà nước đã được Chỉnh phủ, các bộ ban ngành quan tâm. Nhưng đứng dưới góc độ Vietcombank, Vietcombank đề xuất được giữ lại lợi nhuận và được chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu là 70% trong giai đoạn 3 năm 2018 đến 2020".
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP. Sau khi sửa Nghị định, Chính phủ sẽ sớm giải quyết vấn đề tăng vốn cho ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank. Riêng việc tăng vốn cho Agribank sẽ được trình Quốc hội năm 2020.
"Sau khi trình Chính phủ sửa đổi Nghị định, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng có quyết định về việc tăng vốn cho 3 ngân hàng. Đối với Agribank – ngân hàng 100% vốn nhà nước, Chính phủ cũng đã quyết trong năm nay sẽ trình Quốc hội để bố trí ngân sách tăng vốn. Lộ trình tăng vốn tiếp theo, NHNN sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định" - Thống đốc thông tin tại Hội nghị.
Trước đó, trong buổi họp báo Chính phủ ngày 2/12, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng cảnh báo, ngân hàng có nguy cơ bị ngừng cấp tín dụng nếu không được tăng vốn kịp thời.
Theo đánh giá của NHNN, hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% (BIDV, Vietcombank, VietinBank) và Agribank đang có hệ số CAR sát ngưỡng tối thiểu theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (về tuân thủ các quy định Basel II).
Chính vì vậy, trong trường hợp không tăng được vốn, các ngân hàng này sẽ phải hạn chế, thậm chí có phải ngừng cấp tín dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là tại Việt Nam, việc phát triển của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc cấp tín dụng của ngân hàng.
Nhiều năm nay, 'Big 4' ngân hàng liên tục đề nghị Chính phủ cho phép giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn do hệ số CAR đang ở mức tối thiểu và có nguy cơ thủng lưới an toàn vốn nếu áp dụng Basel II. Cả hai kỳ họp Quốc hội năm nay, NHNN đều đưa ra kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước song đều chưa được Quốc hội thông qua.