Viettel lãi 712 tỷ đồng nhờ bán vốn tại Vinaconex
Hoạt động thoái vốn Vinaconex đã mang về cho Viettel 2.002 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)
Chiều 5/8, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả thoái vốn, cổ phần hóa DNNN 6 tháng đầu năm 2019.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến hết Quý II/2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 01 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.
Lũy kế đến hết Quý II/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.
Đối với tình hình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại, tính đến hết Quý II/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng.
Trong đó, Viettel thực hiện thoái 1.290 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex), thu về 2.002 tỷ đồng. Còn SCIC thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỷ đồng, thu về 166 tỷ đồng.
Liên quan tới thương vụ thoái vốn tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), cuối tháng 11/2018, hai trong số ba cổ đông lớn của VCG là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố kế hoạch bán toàn bộ lô cổ phần tại Vinaconex
Sau phiên đấu giá, Công ty An Quý Hưng đã giành quyền mua lô cổ phiếu VCG từ SCIC và sở hữu 57,71% cổ phần. Công ty Cường Vũ cũng mua trọn lô cổ phần VCG từ Viettel. Sau đó không lâu Star Invest cũng bỏ hơn 830 tỷ để mua 34 triệu cổ phiếu VCG từ nhà đầu nước ngoài và trở thành cổ đông lớn của Vinaconex. Tuy nhiên, việc tiếp quản của các cổ đông mới được thực hiện từ cuối tháng 12/2018.
Lũy kế từ năm 2016 đến hết Quý II/2019, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm 4.617 tỷ đồng, thu về 5.888 tỷ đồng; Thoái vốn tại các lĩnh vực khác 4.917 tỷ đồng, thu về 8.807 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn với giá trị 6.286 tỷ đồng, thu về 35.933 tỷ đồng.
Đối với việc thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 đã thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp.
Tính đến hết Quý II/2019, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý II/2019, Thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.
Còn với việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg. lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).
Như vậy, theo tính toán, tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết Quý II/2019: thoái 24.157 tỷ đồng, thu về 169.787 tỷ đồng.