Virus Corona tàn phá kinh tế toàn cầu vượt xa đại dịch SARS, Việt Nam gánh hệ lụy nặng nề
Nhiều người đã so sánh dịch virus Corona đang hoành hành với dịch SARS những năm 2003. Khi đó, SARS đã khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm từ 11,1% trong quý I/2003 xuống còn 9,1% trong quý II sau đó. Nhưng chỉ mất một quý lận đận, việc dịch bệnh được kiềm chế sau đó đã giúp tăng trưởng phục hồi lên mức 10% trong quý III.
Nhưng hoàn cảnh giờ đây đã khác. Trung Quốc hiện tại là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thương mại toàn cầu. Nếu như năm 2003, tỷ trọng GDP của Trung Quốc mới chiếm khoảng 4% tổng GDP toàn cầu thì đến nay, năm 2019, con số đó đã tăng lên mức 17%, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu sẽ được phóng đại nhiều lần.
Thêm vào đó, nếu như năm 2003, tỷ trọng các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch SARS như du lịch, bán lẻ, giải trí, kinh doanh nhà hàng khách sạn... chỉ chiếm 42% tổng GDP Trung Quốc thì đến nay, tỷ trọng đã tăng lên 54%. Đó là lý do vì sao các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đã lường trước tác động kinh tế nặng nề từ dịch virus Corona tại Trung Quốc, nhất là tác động với ngành du lịch, khi khách du lịch Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách du lịch quốc tế.
Tính đến sáng 2/2 (giờ Trung Quốc), đã có 304 ca tử vong vì virus Corona trong khi số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận là hơn 14.500 người. Như vậy, số ca mắc virus Corona đã vượt xa số ca mắc SARS là 8.000, dù con số tử vong vẫn thấp hơn nhiều. Các biện pháp hạn chế mà chính phủ Trung Quốc đưa ra trong dịch SARS hồi năm 2003 cũng không mang tính chặt chẽ, làm “tê liệt” tới 80% nền kinh tế như hiện tại. Nguồn tin từ tờ Bloomberg chỉ ra rằng hồi năm 2003, chính phủ Bắc Kinh đã không đưa ra biện pháp cách ly với thành phố nào do đại dịch SARS. Nhưng giờ đây, tình hình đã khác hẳn.
Trong một kịch bản được các nhà kinh tế của Bloomberg bao gồm Chang Shu, Jamie Rush và Tom Mitchik đưa ra mới đây, dịch virus Corona có khả năng giáng đòn nghiêm trọng vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2020. Theo ước tính này, tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc có thể giảm xuống 5,7%, tức thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó của Bloomberg và giảm 0,4% so với mức tăng trưởng 6,1% hồi quý I năm 2019. Bệnh dịch càng kéo dài, mức ảnh hưởng càng thêm nghiêm trọng.
Còn giáo sư McKibbin từ Đại học Quốc gia Australia thì ước tính dịch SARS năm 2003 đã gây tổn thất kinh tế khoảng 40 tỷ USD, trong khi tổn thất từ dịch virus Corona có thể gấp 3-4 lần như vậy, tức mức độ thiệt hại có thể lên tới 160 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Đứng từ góc độ toàn cầu, các quốc gia Châu Á, đặc biệt là những nước láng giềng và đối tác thương mại lớn của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với dịch SARS hồi năm 2003. Nguyên nhân trước hết là do tầm quan trọng của thị trường sản xuất và tiêu dùng Trung Quốc - vốn được mệnh danh là công xưởng của thế giới, thị trường lớn nhất toàn cầu.
Những quốc gia được hưởng lợi lớn từ khách du lịch Trung Quốc như Singapore, Thái Lan… cũng chịu chung ảnh hưởng do hàng loạt lệnh cấm nhập cảnh với du khách nước ngoài quốc tịch Trung Quốc hoặc từng đến Trung Quốc trong những ngày gần đây.
Theo tờ Bloomberg, Hồng Kông là nơi dễ bị tổn thương nhất vì dịch virus Corona. Sau đó, Việt Nam và Hàn Quốc cũng là các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì lượng khách du lịch và thị trường tiêu thụ Trung Quốc.
Các nhà xuất khẩu hàng hóa như Australia hay Brazil cũng có nguy cơ chịu một cú sốc vì nhu cầu sụt giảm. Trong khi đó, các nước Châu Âu và những nền kinh tế ít hội nhập với Trung Quốc sẽ ít bị thiệt hại hơn.