Cập nhật 2/2: Gần 15.000 ca nhiễm virus Corona, 80% nền kinh tế Trung Quốc tê liệt tạm thời
Số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Bắc Kinh tính đến sáng Chủ Nhật cho thấy đã có 304 ca tử vong vì virus Corona và số ca xác nhận mắc bệnh lên tới 14.551 người. Trong đó, tất cả các ca tử vong và mắc bệnh mới đều nằm ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán được coi là tâm chấn của bệnh dịch.
Tờ South China Morning Post đưa tin tính đến hết thứ Bảy, vẫn còn 43.121 trường hợp đang được theo dõi cách ly. Một thông tin từ nhóm nghiên cứu các nhà khoa học tại Đại học Hồng Kông thậm chí còn dự đoán có khoảng 75.815 người Vũ Hán có thể đã bị nhiễm virus Corona. Nghiên cứu dựa trên giả định mỗi người nhiễm virus có thể sẽ truyền bệnh cho 2,68 người khác.
Hôm Thứ Năm, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã chính thức tuyên bố trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu với virus Corona. Sau đó 1 ngày, Mỹ cũng tuyên bố virus Corona là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe quốc gia, đồng thời chỉ định kiểm dịch bắt buộc với tất cả công dân Mỹ trở về từ Trung Quốc và từ chối nhập cảnh tất cả người nước ngoài đã đến Trung Quốc trong những ngày gần đây.
Trong bối cảnh virus Corona đã xuất hiện tại ít nhất 23 quốc gia trên thế giới, ngày càng nhiều nước trong đó có Mỹ, các nước EU, Nga, Australia, Singapore...đã tiến hành “đóng cửa biên giới”, cấm hoặc hạn chế nhập cảnh với công dân Trung Quốc hoặc bất kỳ du khách nước ngoài nào từng thăm Trung Quốc trong 14 ngày gần nhất để ngăn chặn virus lây lan.
80% nền kinh tế Trung Quốc “tê liệt” đến hết tuần sau
Giữa lúc dịch virus Corona diễn biến phức tạp với số ca bệnh tăng nhanh, rất nhiều tỉnh thành của Trung Quốc bao gồm cả những trung tâm sản xuất công nghiệp đã buộc phải trì hoãn việc trở lại sản xuất kinh doanh trong nỗ lực ngăn chặn virus lây lan.
Tính đến chiều 1/2 (giờ Trung Quốc), đã có ít nhất 21 trong tổng số 31 tỉnh thành của Trung Quốc khuyến cáo doanh nghiệp không mở cửa làm việc trở lại cho đến sớm nhất là ngày 10/2. Các tỉnh An Huy, Trùng Khánh, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quý Châu, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Hà Nam, Hồ Nam, Nội Mông, Giang Tô, Giang Tây, Liêu Ninh, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn Đông, Thượng Hải, Tô Châu, Tây An, Vân Nam, Chiết Giang đều “tê liệt” đến ít nhất ngày 10/2. Còn tại Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh, kỳ nghỉ sẽ được kéo dài đến khi có thông báo tiếp theo.
Đây đều là những tỉnh thành chứa hầu hết năng lực sản xuất của Trung Quốc, có thể kể tới như Quảng Đông - nơi đặt trung tâm công nghệ Thâm Quyến, được xem là thung lũng Silicon của Trung Quốc hay Thượng Hải - thành phố có bến cảng lớn nhất Trung Quốc, Giang Tô - trung tâm tơ lụa của Trung Quốc, Hà Nam - nơi đặt nhà máy Foxconn chuyên sản xuất và lắp ráp iPhone.
Hồi năm ngoái, tổng GDP của 21 tỉnh thành này chiếm tới hơn 80% GDP quốc gia và hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Trung Quốc, theo tính toán từ CNBC. Do đó, việc trì hoãn các hoạt động sản xuất kinh doanh có thể sẽ tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế và kim ngạch thương mại quốc tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà kinh tế Morgan Stanley hồi đầu tuần ước tính việc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thêm một tuần trên toàn Trung Quốc sẽ khiến sản lượng công nghiệp tháng 1 và tháng 2 của nước này giảm mạnh từ 5-8%.