Vốn điều lệ của VCB tăng 25.900 tỷ nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu tối thiểu 70%
Đó là một trong những đề xuất đã được ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trình bày với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng mới đây liên quan tới việc tăng vốn của nhà băng này trong năm 2020.
Cụ thể, ông Nghiêm Xuân Thành đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 70% trong giai đoạn từ 2018 – 2020. Qua đó, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng ít nhất 25.900 tỷ đồng.
Lần gần nhất Vietcombank tăng được vốn bằng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là năm 2016 khi tăng 9.300 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%. Ba năm sau đó, Vietcombank không phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mà chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% và vốn điều lệ nằm nguyên ở mức 35.977 tỷ đồng. Tới đầu năm 2019, Vietcombank được tăng vốn 3% lên gần 37.100 tỷ nhờ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nói về kết quả kinh doanh của Vietcombank trong năm 2019, ông Thành cho biết, với sự nỗ lực Vietcombank đạt những kết quả bứt phá. Cụ thể, qui mô tăng trưởng cao và dự nợ tín dụng của ngân hàng tăng 16%, đây là mức tăng cao nhất trong các tổ chức tín dụng lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát được chuyển dịch theo hướng trọng tâm và có kết quả.
Theo ông Thành, đề án tái cơ cấu Vietcombank theo phê duyệt của NHNN đã hoàn thành đúng tiến độ; mục tiêu chất lượng và hiệu quả hoàn thành sớm hơn mục tiêu của đề án.
"Nợ xấu của Vietcombank được kiểm soát một cách thực chất và hiện chỉ ở dưới 0,8%. Như vậy, so với bình quân của ngành ngân hàng là 1,89%, nợ xấu của Vietcombank thấp hơn rất nhiều. Hơn nữa lợi nhuận đã về đích trước một năm của đề án chính phủ", ông Thành chia sẻ.
Cũng trong năm 2019, Vietcombank đã ba lần giảm lãi suất tiền vay với hai lần giảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên và một lần giảm 0,5%/năm cho tất cả doanh nghiệp có dư nợ tại ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Nghiêm Xuân Thành đề cập, trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến của doanh nghiệp FDI với nhiều chính sách ưu đãi và môi trường thuận lợi. Tuy nhiên đến nay việc sử dụng sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng nội địa rất hạn chế.
Theo ông Thành, ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đáp ứng tương đương các ngân hàng nước ngoài. Do đó cần có qui định doanh nghiệp FDI sử dụng dịch vụ ngân hàng nội địa tương ứng tỷ lệ đô thị hóa và ưu đãi của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp này.