Chủ tịch HUBA: Chỉ có 10% doanh nghiệp TP.HCM còn 50% đơn hàng

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 18/02/2023 18:12 PM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, ghi nhận cho thấy chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30 - 40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng
Bình luận 0

Thiếu vốn và chịu lãi suất cao, doanh nghiệp chật vật với hàng tồn kho

Tại hội nghị  gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất và tìm giải pháp gỡ khó doanh nghiệp, do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua, 17/2, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết bước sang năm 2023, một số ngành đã và đang rất khó khăn, như mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa.

 Chỉ có 10% doanh nghiệp TP.HCM còn 50% đơn hàng - Ảnh 1.

Nhiều ngành sản xuất đã và đang rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa. Ảnh minh họa TTXVN

Thực tế ghi nhận cho thấy, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30 - 40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Khó nhất là lĩnh vực bất động sản,  hiện có xu hướng đi vào suy thoái. Nhiều doanh nghiệp phải thu thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới; thị trường gần như đóng băng và có khả năng kéo dài… Ngoài ra, một số doanh nghiệp ngành khác đang gặp khó khăn về vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

"Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng hầu hết đều trên 10%/năm. Ngân hàng nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh, nhằm hạ lãi suất vay. Thậm chí, việc khống chế tỷ lệ "biên độ lãi ròng" (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết, để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay", ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề vốn, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, cho biết: "Không chỉ lãi suất cho vay quá cao, việc ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng hoặc định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% giá trị tài sản năm ngoái, rồi giảm hạn mức tín dụng của doanh nghiệp, càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, nếu trong bối cảnh này, cộng thêm dòng tiền gặp khó, sẽ dễ dẫn tới nợ xấu".

Nỗi lo doanh nghiệp lớn vẫn bị thâu tóm

Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết lãi suất tăng cao đang ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất thời gian qua. Với lãi suất vay vốn phải trả trên 10%, cộng giá điện nước, nguyên liệu đang tăng sẽ càng khiến tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp cực thấp. Điều này đã dẫn đến doanh nghiệp rơi vào tình trạng đuối sức.

Mặt khác, theo bà Lý Kim Chi, đang có tình trạng doanh nghiệp vừa và lớn đã có thương hiệu, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ toàn diện về lãi suất, chính sách vốn, đầu tư, vùng nguyên vật liệu... để gia tăng nội lực sản xuất và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tìm cách tháo gỡ khó khăn sớm nhất

Vốn, lãi suất ngân hàng đang "bóp ngẹt" doanh nghiệp - Ảnh 3.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.T

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, TP cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sớm nhất. Các vấn đề liên quan đến Trung ương, TP sẽ có kiến nghị, các vấn đề liên quan đến TP sẽ giao cho từng sở, ngành giải quyết.

"Sắp tới, các sở, ngành có liên quan cần chủ động mời từng nhóm hoặc từng doanh nghiệp cụ thể để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ. Với những nội dung liên quan chính sách và chiến lược dài hạn, nhất là ngành công thương, thì cần xem xét đưa vào đề án quy hoạch, phát triển các ngành", ông Võ Văn Hoan cho biết.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu lãnh đạo TP soi từng đầu việc, từng đề xuất của doanh nghiệp ở từng ngành cụ thể, để có giải pháp. Từng cơ quan đến hệ thống chính quyền cần tiếp tục chuyển đổi số, đẩy mạnh hơn nữa cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp, công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem