Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng: Nếu đủ điều kiện, không nhất thiết phải nộp đến 10 tỷ bảo đảm?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 28/10/2022 12:04 PM (GMT+7)
Xung quanh vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu đủ điều kiện được tại ngoại, không nhất thiết phải nộp đến 10 tỷ đồng đảm bảo.
Bình luận 0

Con trai xin đặt 10 tỷ đồng để bảo đảm cho bà Nguyễn Phương Hằng tại ngoại

Ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, con trai bà Nguyễn Phương Hằng, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) vừa gửi đơn đến Công an TP.HCM và Viện KSND cùng cấp xin được nộp tiền bảo đảm nhằm thay thế biện pháp ngăn chặn, cho mẹ được tại ngoại để điều trị bệnh.

Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng: Nếu đủ điều kiện, không nhất thiết phải nộp đến 10 tỷ bảo đảm? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: CACC

Cụ thể, trong đơn ông Tuấn trình bày, "mẹ tôi phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, có địa chỉ cư trú rõ ràng. Trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.

Sau khi bị bắt đến nay mẹ tôi cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm và cam kết không tái phạm… Hành vi của mẹ tôi không thuộc các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm".

Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Tuấn mong Cơ quan điều tra, VKS xem xét thêm cho điều kiện hoàn cảnh của mẹ mình đang phải điều trị nhiều bệnh như cao huyết áp, rối loạn lo âu, tiền đình, thiếu máu, mất ngủ kéo dài, u xơ tử cung…

Theo ông Tuấn, trước đó bà Nguyễn Phương Hằng phải thường xuyên uống thuốc điều trị gần chục năm. Bà Hằng là người chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi cùng 2 con nhỏ. Do đó, ông Tuấn xin được đặt số tiền bảo đảm là 10 tỷ đồng để thay thế biện pháp ngăn chặn cho mẹ mình cho đến khi kết thúc vụ án.

Nếu đủ điều kiện, không cần nộp đến 10 tỷ?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nếu đủ điều kiện, người đang bị tạm giam cần đặt bao nhiêu tiền để được thay thế biện pháp ngăn chặn? Có nhất thiết phải nộp đến 10 tỷ không?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, nếu đủ điều kiện được tại ngoại, không nhất thiết phải nộp đến 10 tỷ đồng đảm bảo.  

Bởi, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm.

Cụ thể, Thông tư quy định không dưới: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo ông Cường, trong một số trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới một phần hai (1/2) mức tương ứng.

Các trường hợp cụ thể là: Bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân; Thầy thuốc nhân dân; hoặc được tặng Huân chương; Huy chương kháng chiến; các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ; bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng "Gia đình có công với nước"; Bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi; Người có nhược điểm về tâm thần; hoặc thể chất.

Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, nộp tiền để tại ngoại là phải nộp công khai vào tài khoản cơ quan chức năng để bảo đảm cho việc chấp hành quy định trong thời gian cấm đi khỏi nơi cư trú chứ không phải là khoản tiền tiêu cực, đưa tay cho người có chức vụ quyền hạn.

"Dù pháp luật có quy định việc đặt tiền đảm bảo, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau mà tại nước ta, biện pháp này chưa được áp dụng nhiều trên thực tiễn vì tương đối nhạy cảm, phức tạp và chưa tạo thành thói quen pháp lý" – ông Cường nêu ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem