Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng: Tòa sơ thẩm được tạm giam bị can bao nhiêu ngày?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 07/05/2023 19:31 PM (GMT+7)
Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam thêm 2 tháng, bạn đọc đặt câu hỏi, tòa án cấp sơ thẩm được tạm giam bị can trong bao nhiêu lâu?
Bình luận 0

Bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam

Như Dân Việt đã thông tin, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Viện KSND TP.HCM, TAND cùng cấp đã ra quyết định tạm giam thêm 60 ngày đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) để chuẩn bị cho việc xét xử.

Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng: Tòa sơ thẩm được tạm giam bị can bao nhiêu ngày? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam thêm 2 tháng. Ảnh: CACC

Trước đó, TAND TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm, bị Viện KSND TP.HCM truy tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cáo trạng của vụ án này thể hiện, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư cá nhân.

Những nội dung phát ngôn của bà Hằng gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân. Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng thừa nhận đã phát ngôn xúc phạm các cá nhân trên do nằm mơ.

Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, tòa án cấp sơ thẩm được tạm giam bị cáo tối đa bao nhiều ngày để chuẩn bị xét xử?

Tòa án cấp sơ thẩm được quyền tạm giam bị can bao nhiêu ngày?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam, vụ án hình sự thông thường sẽ trải qua ba giai đoạn là điều tra, truy tố và xét xử.

Cả ba giai đoạn này, ba cơ quan tố tụng là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều có thẩm quyền quyết định tạm giam bị can để phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Tạm giam đuợc áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự. Mục đích chính của biện pháp tạm giam là để ngăn chặn bị can bỏ trốn, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc gây cản trở, khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.

Việc tạm giam áp dụng thường xuyên, phổ biến và có nhiều hiệu quả ở giai đoạn điều tra, tuy nhiên giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử, thậm chí sau khi xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể áp dụng biện pháp tạm giam để đảm bảo thi hành án theo quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam quy định rất cụ thể trường hợp nào tạm giam, trường hợp nào không áp dụng biện pháp tạm giam và quy định cụ thể về thủ tục, về thẩm quyền, thời hạn tạm giam đối với từng loại tội khác nhau.

Theo đó, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 1 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 2 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 3 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng.

Trong vụ án nêu trên, bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm bị truy tố về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt là phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Đây là tội phạm nghiêm trọng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 9 Bộ luật hình sự nên theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời hạn tạm giam để điều tra sẽ không quá 5 tháng nhưng không tính thời hạn điều tra bổ sung khi viện kiểm sát hoặc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo vị chuyên gia, khi hồ sơ chuyển sang viện kiểm sát, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định thẩm quyền tạm giam để truy tố theo thời hạn truy tố mà bộ luật tố tụng hình sự đã quy định cho viện kiểm sát.

Trong khi đó, đối với giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án nghiêm trọng như vụ án này, pháp luật quy định, thời hạn để xét xử cho đến khi mở phiên tòa sơ thẩm không quá 75 ngày, trong thời hạn này tòa án có quyền gia hạn tạm giam để phục vụ cho việc xét xử và đảm bảo thi hành án.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự hiện hành, tòa án cấp sơ thẩm có quyền tạm giam thời gian tối đa đối với các bị can thuộc loại tội nghiêm trọng (mức hình phạt tới 7 năm tù) là 90 ngày với trường hợp bất khả kháng và không quá 75 ngày với trường hợp thông thường.

Vì thế, trong vụ án này tòa án ra quyết định tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng 60 ngày là vẫn trong thời hạn luật định, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem