Vụ án Hồ Duy Hải: Trường hợp nào mới xem lại quyết định giám đốc thẩm?

PVCT Chủ nhật, ngày 10/05/2020 11:28 AM (GMT+7)
Vụ án Hồ Duy Hải (Long An) đã được Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Quyết định trên sẽ được thực hiện thế nào, trường hợp nào sẽ bị xem xét lại?
Bình luận 0

Trao đổi với PV, Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (ông nguyên là Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) cho biết: Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định (quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải có hiệu lực từ ngày 8/5 –PV).

Vụ Hồ Duy Hải, trường hợp thế nào mới xem lại quyết định giám đốc thẩm? - Ảnh 1.

Hội đồng giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (ảnh TTXVN).

Luật quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú.

Quyết định giám đốc thẩm có phải là quyết định cuối cùng hay vẫn có thể xem lại? Nếu xem xét lại quyết định giám đốc thẩm thì phải cần điều kiện thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho biết: Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự quy định : Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Vẫn theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, quy định nêu trên cho thấy rõ điều kiện để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm chứ không phải quyết định giám đốc thẩm nào cũng xem xét lại.

Trao đổi với PV, một chuyên gia pháp luật (ông xin không nêu tên) cho biết, trong vụ án Hồ Duy Hải, Hội đồng giám đốc thẩm đã bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, điều đó có nghĩa quan điểm của Viện trưởng ngược với quan điểm với Hội đồng giám đốc thẩm, nhưng ở vào trường hợp Viện trưởng Viện KSND Tối cao muốn kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm thì phải dựa trên các điều kiện như điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Nghĩa là phải có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; trường hợp thứ hai phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không biết được khi ra quyết định đó.

Vụ án Hồ Duy Hải đã kéo dài hơn 12 năm, để phát hiện được tình tiết quan trọng mới là điều rất khó. Mới đây, tai phiên giám đốc thẩm, luật sư Trần Hồng Phong- người bào chữa và sau này là người trợ giúp pháp lý cho Hồ Duy Hải đã cung cấp thêm chứng cứ mà ông thu thập. Tuy nhiên Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng, chứng cứ luật sư cung cấp không mới và đã được làm rõ tại phiên tòa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem