Vụ chặt hạ cây xanh trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Đơn vị vận hành được hưởng lợi từ việc trồng cây?

Nguyễn Đức- Văn Hoàng Thứ ba, ngày 27/06/2023 07:48 AM (GMT+7)
Theo nội dung hợp đồng, Công ty TNHH D&G Việt Nam chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí trong quá trình trồng, chăm sóc cây dọc hai bên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…
Bình luận 0

Clip hàng cây xanh trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bị chặt hạ. Thực hiện: Nguyễn Đức- Văn Hoàng.

Như Dân Việt đã đưa tin, trước đó hai hàng cây keo tai tượng trồng dọc hai bên cao tốc Cầu Giẽ Ninh - Ninh Bình (dài 50km) bị chặt hạ. Nhiều người dân, tài xế lưu thông qua tuyến đường này không khỏi tiếc nuối, xót xa.

VEC O&M được 10% lợi nhuận

Theo tài liệu của Dân Việt, ngày 05/6/2015, Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) đã ký Hợp đồng Công ty TNHH D&G Việt Nam về việc hợp tác, đầu tư và phát triển hành lang trống hai bên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo nội dung hợp đồng, Công ty TNHH D&G Việt Nam chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí trong quá trình trồng, chăm sóc cây dọc hai bên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. 

Chủng loại cây được trồng là cây keo tai tượng, phạm vi trồng là quỹ đất dọc hai bên đường cao tốc tính từ chân taluy trở ra đến hàng rào B40 của dự án Cầu Giẽ- Ninh Bình, trừ một số vị trí đang được VEC O&M sử dụng.

Vụ chặt hạ cây xanh trên cao tốc: VEC có được hưởng lợi từ việc trồng cây? - Ảnh 1.

Hàng cây keo tai tượng trồng hai bên tuyến cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình. Ảnh Văn Hoàng.

Việc trồng cây nhằm mục đích tạo cảnh quan, môi trường, giảm tiếng ồn, bụi. Thời hạn hợp tác giữa hai bên trong thời hạn là 12 năm, kể từ ngày ký hợp đồng. Số lượng cây trồng dự kiến khoảng 180.000 cây keo tai tượng, tuy nhiên đến nay số lượng cây sống còn khoảng 100.000 cây.

Theo điều khoản của hợp đồng, việc triển khai bán sản phẩm - gỗ trên thị trường là trách nhiệm của Công ty TNHH D&G Việt Nam, không thuộc trách nhiệm VEC O&M cũng như VEC. 

Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam được hưởng 10% lợi nhuận sau khi đã trừ các chi phí.

Lợi nhuận thu được sau khi chặt hạ cây keo, VEC O&M được hưởng, sẽ dùng để chi trả cho những hoạt động cắt tỉa cây làm che khuất biển báo.

Tranh cãi về việc chặt hạ cây

Trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Chu Đạt, Giám đốc Công ty TNHH D&G Việt Nam cho hay, trong hợp đồng giữa hai bên đều thể hiện rõ nội dung phía Công ty được quyền khai thác cây trồng trên cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình và đến nay đã đến thời điểm phía đơn vị thực hiện khai thác, thu hồi vốn.

Vụ chặt hạ cây xanh trên cao tốc: VEC có được hưởng lợi từ việc trồng cây? - Ảnh 2.

Đơn vị trồng cây bắt đầu thực hiện việc chặt hạ cây trên tuyến cao tốc. Ảnh Nguyễn Đức.

"Cách đây khoảng 4 năm, VEC đã chặt hạ 2km cây của công ty. Sau đó, chúng tôi cũng đã có đơn gửi tới phía công an, đến nay vẫn chưa khởi tố vụ án. Họ tự động chặt mà không xin ý kiến của tôi.

Gần đây nhất, năm 2022, chúng tôi cũng bị mất trộm 8km cây trồng ở hai bên ven đường. Tôi cũng đã gửi đơn tới Công an của Hà Nam, Nam Định", ông Đạt thông tin.

Ông Đạt cho hay, lý do chọn trồng cây keo là bởi cây này phù hợp với phương án kinh doanh của công ty. Thêm nữa, cây keo lên nhanh, thẳng, có thể thu hoạch được. Thời điểm trồng 23 vạn cây keo tai tượng, ông đã bỏ ra chi phí hơn 6 tỷ đồng.

"Chúng tôi kỳ vọng trồng 23 vạn cây keo mới có lãi, tuy nhiên, bây giờ cây bị chết và bị chặt trộm chỉ còn khoảng 10 vạn cây. Như vậy, chúng tôi không có lãi, dự tính lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ yêu cầu phía VEC thực hiện theo hợp đồng", ông Đạt nói.

Vụ chặt hạ cây xanh trên cao tốc: VEC có được hưởng lợi từ việc trồng cây? - Ảnh 3.

Cành cây keo tai tượng héo khô còn lại trên tuyến cao tốc. Ảnh: Nguyễn Đức.

Trong khi đó, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẳng định, trong quá trình trồng cây, Công ty TNHH D&G Việt Nam đã vi phạm trồng một số cây trên mái taluy âm chưa phù hợp với quy định theo Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam TCCS 07:2013/TCĐBVN. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, đánh giá và yêu cầu cắt bỏ các cây vi phạm nêu trên.

Cũng do vậy, thực hiện yêu cầu của các cơ quan chức năng, Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chỉ đạo VEC O&M cùng đối tác tiến hành chặt bỏ cây trồng không phù hợp từ năm 2017.

Sau nhiều văn bản chỉ đạo, ngày 2/4/2023 Công ty TNHH D&G Việt Nam đã ban hành Văn bản số 0204/2023/CVDG đến VEC O&M thông báo triển khai chặt hạ cây keo hai bên đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thời gian từ 5/4/2023 - 5/10/2023.

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) tổ chức thông xe và đưa vào khai thác tạm từ cuối năm 2011.

Vụ chặt hạ cây xanh trên cao tốc: VEC có được hưởng lợi từ việc trồng cây? - Ảnh 4.

Thân cây gỗ keo tai tượng bỏ lại ở hai bên cao tốc. Ảnh: Văn Hoàng.

Nhằm tạo cảnh quan môi trường, giảm thiểu tiếng ồn, giúp tài xế lái xe an toàn và ngăn người dân trèo rào, chăn thả rông gia súc trong phạm vi hàng rào, năm 2014 VEC đã phát động phong trào trồng cây dọc các tuyến đường cao tốc, trong đó có cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Tuy nhiên, kinh phí trồng cây tương đối lớn nên phong trào trồng cây dọc các tuyến đường cao tốc gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đơn vị quản lý khai thác đã xã hội hóa công tác trồng cây, mời gọi các đơn vị có chuyên môn cùng tham gia.

Trong khi đó, phía VEC khẳng định, sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng về vi phạm trong quá trình trồng cây dọc đường cao tốc, VEC đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có các hình thức kỷ luật phù hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem