Vụ cướp ngân hàng ở Bình Dương: Căn cứ để khởi tố thêm tội giết người

Q.Trung Thứ sáu, ngày 28/04/2023 10:09 AM (GMT+7)
Về vụ cướp ngân hàng ở Bình Dương, chuyên gia pháp lý cho biết, việc cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội giết người và cướp tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật.
Bình luận 0

Khởi tố hai tội danh

Liên quan đến vụ cướp ngân hàng ở huyện Bàu Bàng, ngày 27/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Huỳnh Tấn Phát (36 tuổi, ngụ Tây Ninh) để điều tra về hành vi cướp tài sản và giết người.

Vụ cướp ngân hàng ở Bình Dương: Căn cứ để khởi tố thêm tội giết người - Ảnh 1.

Nhân viên bảo vệ ngân hàng dũng cảm quật ngã được đối tượng thực hiện hành vi. Ảnh: CACC

Theo điều tra, do nợ nần và thiếu tiền tiêu xài nên trưa 17/4, Huỳnh Tấn Phát mang theo súng và túi đựng tiền đến Phòng giao dịch Sacombank nằm trên QL13 (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) để cướp ngân hàng.

Trước khi thực hiện, Phát đã ngồi trong phòng giao dịch để quan sát, theo dõi. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, Phát bất ngờ nổ súng để uy hiếp các nhân viên ngân hàng và quăng túi đựng tiền vào trong quầy giao dịch rồi quát lớn: "Tiền là của ngân hàng, nếu không đưa là chị chết".

Lúc này, nhân viên ngân hàng sợ hãi đã bỏ khoảng 700 triệu đồng vào trong túi cho Phát lấy mang ra ngoài.

Khi ra đến cửa phòng giao dịch, bảo vệ đã nhanh chóng đóng cửa cuốn của ngân hàng trước khi Phát ra ngoài. Thấy cửa bị đóng, Phát nổ súng bắn người bảo vệ bị thương để yêu cầu mở cửa.

Tuy nhiên, bảo vệ đã dũng cảm quật ngã Phát xuống đất và được những người xung quanh hỗ trợ, bắt giữ được Phát ngay trong sảnh của phòng giao dịch.

Căn cứ khởi tố thêm tội giết người

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can về tội giết người và cướp tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ông Cường phân tích, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng và diễn biến qua clip cho thấy bị can đã sử dụng súng để đe dọa uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại Điều 168, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác khiến cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản mà không phụ thuộc vào việc đã cướp được tài sản hay chưa, cũng không phụ thuộc vào giá trị tài sản định cướp là bao nhiêu.

Pháp luật quy định đây là tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ cần thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với mục đích để chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội phạm.

Bởi vậy, mặc dù đối tượng bị bắt giữ ngay tại hiện trường, chưa chiếm đoạt được tài sản nhưng hành vi dùng vũ lực đã xảy ra với mục đích để chiếm đoạt tài sản nên bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản là có căn cứ.

Tiếp đến, theo vị chuyên gia, ngoài hành vi cướp tài sản, bị can còn thực hiện hành vi sử dụng súng bắn vào bảo vệ ngân hàng, đây là hành vi nguy hiểm có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Với tính sát thương của khẩu súng, nạn nhân hoàn toàn có thể tử vong.

Việc nạn nhân không chết là nằm ngoài ý chí chủ quan của bị can, do đường đạn không trúng vào vị trí hiểm yếu và nạn nhân được cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết.

Vì vậy, trong quá trình xác minh vụ việc này, cơ quan điều tra có thể có căn cứ cho thấy bị can đã thực hiện hành vi nguy hiểm, có thể dẫn đến việc chết người, bị can nhận thức được khả năng sát thương của khẩu súng, nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra nên hành vi này bị xử lý hình sự về tội Giết người theo quy định tại  khản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự.

Nạn nhân không chết, bị can sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất tới 20 năm tù, đây là trường hợp phạm tội chưa đạt, đã hoàn thành.

Từ phân tích trên, ông Cường nêu quan điểm, trường hợp bị kết án về hai tội danh là giết người và cướp tài sản, hình phạt cao nhất mà bị can có thể đối mặt là tù chung thân, (tội giết người có hình phạt cao nhất là tử hình, tuy nhiên trường hợp này nạn nhân không chết nên hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù).

Trường hợp cả hai tội này bị cáo đều bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì tổng hình phạt không quá 30 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem