Vụ DN XNK gỗ kêu cứu: UBND tỉnh Quảng Nam "cầm đèn chạy trước ô tô"?

Trương Hồng Thứ năm, ngày 03/01/2019 16:33 PM (GMT+7)
Hơn 7 tháng sau khi ban hành văn bản yêu cầu “tạm ngừng xuất nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Đắc Ốc, huyện Nam Giang”, UBND tỉnh Quảng Nam mới có công văn xin ý kiến từ Bộ Công thương. Việc này, làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ càng thêm bức xúc.
Bình luận 0

Ngày 2.1, Dân Việt có được công văn số 7482/UBND-KTN do ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký gửi cho Bộ Công thương xin ý kiến về “tạm ngừng việc nhập gỗ tròn, gỗ xẻ các loại gỗ rừng tự nhiên qua cửa khẩu chính Nam Giang, tỉnh Quảng Nam”.

“Cấm” trước xin sau!

Theo công văn số 7482/UBND-KTN được ký ngày 24.12.2018 (cách nhau đến hơn 7 tháng kể từ khi có thông báo số 149 ký ngày 8.5.2018-PV) gửi Bộ Công thương có nội dung: Cửa khẩu chính Nam Giang nằm trên tuyến hành lang Đông Tây thứ 2, kết nối các nước thuộc tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư và tập trung đầu tư của tỉnh Quảng Nam, cơ sở vật chất tại cửa khẩu Nam Giang từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa giữa hai nước Việt - Lào.

img

Cửa khẩu Nam Giang nơi gần chục doanh nghiệp "bị ách" lại hàng ngàn khối gỗ nhập khẩu do thông báo số 149 của UBND tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là hạ tầng giao thông trên tuyến QL14D. QL14D nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có chiều dài 74,4km, kết nối với QL14B từ cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) và đường Hồ Chí Minh từ Thạnh Mỹ đi Bến Giằng, đến cửa khẩu Nam Giang.

Tuyến đường này được Bộ GT-VT đầu tư xây dựng từ năm 1998 theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, mặt đường láng nhựa, cơ bản giải quyết được nhu cầu đi lại, vận chuyển thiết bị, hàng hóa thiết yếu qua lại giữa hai nước Việt - Lào.

Đến nay, sau 20 năm sử dụng, tuyến đường này đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, khó khăn cho việc đi lại của nhân dân, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển thiết bị, hàng hóa có tải trọng lớn (không quá 18 tấn). Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng luôn đề nghị Bộ GT-VT sửa chữa, nâng cấp, tuy nhiên chưa có nguồn vốn thực hiện.

Hiện nay, Bộ GT-VT và UBND tỉnh Quảng Nam cùng các Bộ, ngành T.Ư đang tích cực xúc tiến các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng QL14D theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa trên tuyến.

img

Công văn số 7482 của UBND tỉnh gửi Bộ Công thương xin ý kiến sau 6 tháng kể từ khi có thông báo số 149 về việc tạm ngừng xuất nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Nam Giang

Công văn còn nêu rõ: “Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh biên giới trên địa bàn vùng giáp ranh hai nước Việt - Lào; đồng thời bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ QL14D trong điều kiện hiện nay đã hư hỏng nặng, xuống cấp nghiêm trọng, để phục vụ nhân dân đi lại, vận chuyển thiết bị, hàng hóa thiết yếu, tải trọng nhẹ qua lại giữa hai nước, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan thống nhất chủ trương cho phép tạm thời dừng việc nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu chính Nam Giang cho đến khi tuyến QL14D được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch, đảm bảo được khả năng chịu tải của cầu, đường”.

Đường đến cửa khẩu quốc tế, tỉnh có được quyền "cấm"?

Trước đó thông báo số 149 về việc tạm dừng xuất nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Đắc Ốc của UBND tỉnh được ký ngày 8.5.2018. Đến hơn 7 tháng sau, hàng loạt doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ đã “cầu cứu” báo Dân Việt và báo đã phản ánh thì UBND tỉnh mới có văn bản gửi Bộ Công thương xin ý kiến.

Một đại diện doanh nghiệp bức xúc: “Chúng tôi thấy lý do “cấm đường” từ thông báo số 149 của UBND tỉnh Quảng Nam là không phù hợp với Nghị định số 112 của Chính phủ quy tại điều 17, thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại của khẩu biên giới với lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, phòng chống dịch bệnh, lý do đặc biệt khác hoặc theo đề nghị của các nước láng giềng, quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu. Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu quốc tế theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an.

Riêng Chủ tịch UBND tỉnh chỉ có quyết định việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh không quá 24 giờ.

Như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam không có thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại của khẩu Đắc Ốc”.

Ngoài ra, trong đơn kêu cứu của 6 doanh nghiệp là Cty TNHH Hùng Đệ, Cty TNHH Tiến Dũng Gia Lai, Cty TNHH An Khang Phước, Cty TNHH MTV XNK Lâm Sản Hằng Phát, Cty TNHH Thương mại Ngọc Ninh và Cty TNHH Đức Nam cho rằng: Đầu năm 2018, các doanh nghiệp này đã ký các hợp đồng mua hơn 10.000m3 gỗ thành phẩm của các doanh nghiệp Lào nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu Nam Giang. Tuy nhiên, họ bị vướng bởi thông báo số 149 của UBND tỉnh Quảng Nam nên đến nay vẫn chưa vận chuyển số gỗ trên về cửa khẩu Nam Giang được.

“Từ khi có thông báo 149, mọi hoạt động kinh doanh của họ hoàn toàn bị đình trệ. Các hợp đồng xuất nhập khẩu gỗ ký trước đó đột ngột bị dừng lại, hàng hóa không được lưu thông, gỗ để lâu ngày xuống cấp, hư hỏng, người lao động không có công ăn việc làm, DN không thu hồi được vốn để trả nợ ngân hàng, đứng bên bờ vực phá sản.

Vì sao UBND tỉnh Quảng Nam không cho DN chúng tôi một thời gian nhất định để vận chuyển hết số gỗ đã hợp đồng rồi mới yêu cầu tạm dừng? Gỗ của chúng tôi có hợp đồng hợp pháp chứ không phải buôn bán lậu. Còn nói đường hư hỏng, nếu chúng tôi chở vượt quy định thì lực lượng chức năng có quyền kiểm tra và bắt giữ” - các doanh nghiệp bức xúc.

Dân Việt tiếp tục thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem