Vụ đổ xăng đốt nhà mẹ ở Hưng Yên: "Mất tình cảm gia đình, là sự đau lòng mãi mãi cho thế hệ sau"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 27/11/2022 18:47 PM (GMT+7)
Vụ 3 con gái đốt nhà mẹ ở Hưng Yên những ngày qua vẫn gây xôn xao dư luận, chuyên gia đã có chia sẻ về vụ việc cũng như nhìn nhận chức năng gia đình hiện nay.
Bình luận 0

3 con gái đốt nhà mẹ: Hậu quả còn mãi về sau

Trao đổi với PV báo Dân Việt trưa 27/11, người nhà xác nhận con gái thứ 2 trong vụ mang xăng đốt nhà mẹ ở Hưng Yên đã tử vong. Trước đó người con gái đầu tử vong sau gần 20 ngày điều trị. Theo kết quả xác minh ban đầu từ cơ quan công an, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản, chia quyền thừa kế đất, sáng 30/10, 3 người con gái đến nhà mẹ đẻ của mình là bà Vũ Thị Đ. ở xã Trung Hòa (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đốt. 

Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ ở Hưng Yên: “Từ khi nào và vì sao gia đình không còn là tổ ấm" - Ảnh 1.

Ba cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Cắt từ clip

Nói về vụ việc trên, chia sẻ với PV báo Dân Việt, diễn giả Đào Ngọc Cường khẳng định: "Tôi chưa nói đến luật đất đai, luật thừa kế nào hết, tôi chỉ nói đến vấn đề con người, đạo đức. Con cái không được phép tấn công, gây tổn thương cho cha mẹ dù bất cứ lý do nào. Nghĩa vụ của con cái là phải phụng dưỡng cha mẹ, còn cha mẹ chia cho con bao nhiêu hay không là quyền của cha mẹ".

Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ ở Hưng Yên: “Người có giáo dục không ai lại làm thế" - Ảnh 2.

Diễn giả Đào Ngọc Cường. Ảnh: NVCC

"Mất đất, mất tình cảm gia đình nhưng vụ việc không chỉ dừng lại ở hiện tại mà để lại sự đau lòng mãi mãi cho thế hệ sau, sự tổn thương, nỗi đau cho cả dòng họ. Đó là bài học nhãn tiền trong giáo dục đạo đức cho con cái sau này. 3 người con gái này đã gieo tiềm thức cho con cái của họ hành động không có hiếu với cha mẹ", anh Cường bày tỏ. 

"Từ khi nào và vì sao, gia đình lại không còn là tổ ấm nương náu?"

Liên quan đến vụ việc trên, thạc sĩ Tâm lý trẻ em và cha mẹ Nguyễn Tú Anh cho hay: "Dư luận rất bất bình với sự việc đau lòng "3 con ruột đốt nhà mẹ đẻ" - sự việc diễn ra quả thật là một tội ác chấn động và đau lòng. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận từ khía cạnh tâm lý - xã hội, thảm kịch đó chỉ đơn thuần là "con bất hiếu" hay có nhiều uẩn khúc rối loạn tâm lý, hành vi kéo dài và phức tạp trong nội bộ gia đình? 

Vai trò của cha mẹ và con cái có ảnh hưởng qua lại như thế nào để quyết định về mức độ hạnh phúc hay bất hạnh cho từng thành viên? Nếu mặc định đã là gia đình thì đều phải yêu thương nhau, hẳn những thảm kịch đã không xảy ra. Vậy những vấn đề tâm lý uẩn khúc nào mà cha mẹ nhìn chung cần hiểu rõ để đảm bảo sức khoẻ tinh thần ổn định cho mình và cho con?".

Từ vụ việc này, theo Thạc sĩ Tú Anh, những sự việc đau lòng gây chấn động dư luận trong khoảng thời gian gần đây dường như là một hồi chuông báo động để chúng ta cùng nhìn lại và tự hỏi: "Từ khi nào và vì sao, gia đình lại không còn là tổ ấm nương náu, mà lại là nơi sinh ra hận thù và oan nghiệt?".

Trong lĩnh vực tâm lý gia đình, có một vấn đề được gọi tên là Dysfunctional family – Gia đình rối loạn chức năng hoặc Gia đình bất hòa - thường dẫn đến các hệ quả là chấn thương tâm lý và rối loạn hành vi nối tiếp kéo dài qua nhiều thế hệ. Nếu không hiểu đúng về mức độ nghiêm trọng, vấn đề này thường chỉ được nhìn nhận theo kiểu "Bố mẹ không biết dạy con" và tặc lưỡi cho qua: "Bố mẹ nó không dạy thì mai này ra đời cũng phải học…". 

Tuy nhiên, để hiểu đúng, gia đình có rối loạn chức năng có thể rơi vào một trong các trường hợp sau:

Một hoặc cả hai cha mẹ có vấn đề nghiện ngập chất kích thích (ví dụ: ma túy, rượu, cờ bạc), kể cả các vấn đề lạm dụng khác (lăng nhăng, làm việc quá sức và/hoặc ăn uống quá độ), gây ảnh hưởng mạnh đến các thành viên khác trong gia đình. 

Một hoặc cả hai cha mẹ sử dụng biện pháp đe dọa tinh thần hoặc bạo lực thể chất làm phương tiện kiểm soát các thành viên khác trong gia đình. Trẻ em có thể phải chứng kiến bạo lực, có thể bị buộc phải tham gia vào việc trừng phạt anh chị em, hoặc có thể sống trong nỗi sợ hãi về những cơn bùng nổ bất ngờ. 

Một hoặc cả hai cha mẹ bóc lột trẻ em và coi trẻ như vật sở hữu với mục đích chính là đáp ứng nhu cầu thể chất và/hoặc tình cảm của người lớn (ví dụ: bảo vệ cha mẹ hoặc cổ vũ người bị trầm cảm). 

Một hoặc cả hai cha mẹ không thể cung cấp, hoặc đe dọa rút tiền, cắt hỗ trợ tài chính cho con. Tương tự, một hoặc cả hai cha mẹ không cung cấp cho con sự hỗ trợ đầy đủ về mặt tinh thần. 

Một hoặc cả hai cha mẹ có quyền kiểm soát độc đoán mạnh mẽ đối với con cái. Thông thường những gia đình này tuân thủ một cách cứng nhắc một niềm tin cụ thể (tôn giáo, chính trị, tài chính, cá nhân). Con cái bị buộc phải tuân thủ các kỳ vọng và các quy tắc theo ý muốn của người lớn mà không có bất kỳ sự linh hoạt nào.

Tùy vào mức độ và tần suất diễn ra của các hành vi tương tác rối loạn chức năng xảy ra trong từng gia đình, và mức độ nghiêm trọng của rối loạn chức năng của từng thành viên mà hệ quả diễn ra có thể từ vừa phải đến nghiêm trọng. 

Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ ở Hưng Yên: “Từ khi nào và vì sao gia đình không còn là tổ ấm" - Ảnh 2.

Thạc sĩ Tâm lý trẻ em và cha mẹ Nguyễn Tú Anh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Tú Anh cũng chỉ ra, chấn thương tâm lý tuổi thơ, gia đình rối loạn chức năng, bạo hành, lạm dụng và bỏ bê ngăn cản sự phát triển lòng tin của trẻ em vào thế giới, cuộc sống đời thường, vào những người xung quanh và vào chính bản thân trẻ. Sau này khi trưởng thành, những người này có thể cảm thấy khó tin vào hành vi và lời nói của người khác, những đánh giá và hành động của chính họ, hoặc những cảm nhận về bản thân của họ. 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ có thể gặp phải các vấn đề trong công việc, học tập, các mối quan hệ của họ và trong chính danh tính của họ. Tệ hơn hết, khi không nhận được tình yêu thương, trẻ lớn lên cũng không phát triển được lòng yêu thương và trắc ẩn, và dễ dẫn đến những suy nghĩ hoặc hành động nguy hiểm, sát thương và vi phạm luật pháp.

Chung sống trong cùng một gia đình, các thành viên trong gia đình rối loạn chức năng thường phải vật lộn để tự lý giải rằng gia đình của họ là "bình thường". Họ càng phải điều chỉnh để làm cho tình huống có vẻ bình thường, thì khả năng họ hiểu sai càng lớn, và phát triển các khái niệm tiêu cực về bản thân và cách hành xử khi trưởng thành, đa phần là lặp lại tất cả những gì họ đã trải qua trong thời thơ ấu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem