Vụ Mobifone mua AVG và những dấu hỏi cần phải làm rõ!

Luật sư Nguyễn Thế Truyền Thứ sáu, ngày 16/03/2018 11:23 AM (GMT+7)
Niềm tin của người dân có bị xói mòn hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý những vụ việc đang được dư luận rất được quan tâm như vụ Mobifone mua AVG này.
Bình luận 0

Thanh tra Chính phủ chính thức công khai kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Theo kết luận thì đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

Nó nghiêm trọng vì sự sai phạm không chỉ xảy ra ở một bộ.

Nghiêm trọng vì toàn bộ sự việc khi xâu chuỗi liên kết lại nó trở thành bức tranh “điển hình” của hệ thống mà bấy lâu nay nó đang vận hành, là căn nguyên của việc giảm sút lòng tin, là mảnh đất màu mỡ cho những mầm mống tham nhũng, tuỳ tiện có cơ hội phát triển.

Nghiêm trọng vì ngay từ lúc bắt đầu dự án, bản thân nó đã không đảm bảo bất kỳ tiêu chuẩn yêu cầu nào theo quy định pháp lý, vậy mà nó vẫn diễn ra với sự quyết liệt đáng ngờ.

Thâm chí, dấu hiệu vi phạm từ lập dự án, báo cáo, thẩm định, đấu thầu, sử dụng nguồn vốn ngân sách trong kinh doanh.

Cũng phải nhắc tới, ngày 12.3.2018, hai đơn vị AVG và Mobifone đã có biên bản thống nhất về việc sẽ “trả lại cho nhau những gì đã trao” trong thương vụ này.

Thoạt nghe những thông điệp từ chính nội dung biên bản làm việc này giữa hai đơn vị, các chuyên gia luật và người dân đều có ít nhiều bối rối khi thấy sự việc diễn ra “bất bình thường”.

img

Mobifone - AVG vừa có động thái hủy thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.

Dư luận cũng đặt dấu hỏi: Liệu biên bản thỏa thuận “rút củi đáy nồi” này có dẫn đến dừng xử lý vi phạm nếu có đã diễn ra khi các bên ký kết hợp đồng hay không?

Hai đơn vị đều là doanh nghiệp có thể tự do ý chí thỏa thuận để trả lại cho nhau những gì đã trao theo nguyên tắc “tôn trọng tự do ý chí” đã được luật hóa hay không?

Tôi cho rằng không! Vì các lẽ sau:

Đầu tiên, phải xem xét vị trí pháp lý của hai công ty trong việc ký kết hợp đồng này, AVG đơn thuần là một doanh nghiệp được điều chỉnh bởi luật doanh nghiệp và việc tự do thỏa thuận là điều được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải tuân theo các quy định pháp luật khác và quan trọng hơn, việc xác tín thông tin chính xác - không gian dối hay sai sự thật lại được đặt ra đối với bất kỳ doanh nghiệp nào bởi các quy định pháp luật hay bằng chính uy tín của doanh nghiệp đó. 

Chính những chế tài và các quy định pháp lý này buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ để tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mobifone là một doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ theo các quy định trong luật về quản lý sử dụng đầu tư và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. 

Tức là phải tuân theo các quy trình nghiêm nghặt nhất đối với từng đồng của người dân nộp vào ngân sách Nhà nước được đưa ra để kinh doanh, sử dụng trong hoạt động kinh tế.

Còn trong khoa học pháp lý thì câu chuyện này cần được minh thị rõ ràng rằng: Việc thỏa thuận hoàn trả cho nhau những gì đã trao chính là nội dung của “hợp đồng vô hiệu” bởi những điều cấm của luật, hay xét dưới góc độ cấu thành tội phạm “nếu có” thì hành vi trao trả lại chỉ được coi là “tình tiết giảm nhẹ” khi đã có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Tức là, dù anh không có thỏa thuận trả lại cho nhau những gì đã trao thì chính những chế tài trong pháp lý cũng buộc anh phải trả lại. 

Vậy, việc các bên có ký biên bản thỏa thuận rằng sẽ trả lại cho nhau những gì đã trao trong đó có hướng đến các ý như “không gây thiệt hại” hay việc gây sức ép lên chính các cơ quan tiến hành xử lý vụ việc với cách đánh tráo khái niệm thì cũng không làm ảnh hưởng hay sai lệch đến bản chất của vụ việc, vụ án “nếu có”.

Luật vốn phức tạp nhưng không phải tự thân điều luật, mà xuất phát từ chính những người áp dụng và sử dụng pháp luật. 

Việc “lách luật” bằng cách đánh tráo khái niệm hay các quy định pháp luật khác luôn phải được hiểu chính là hành vi vi phạm pháp luật.

Rõ ràng, doanh nghiệp có quyền làm gì pháp luật không cấm nhưng cũng không có nghĩa được quyền xâm phạm đến tính nghiêm minh của pháp luật, không được xâm hại đến tính thượng tôn của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem