Vụ "om" tài sản đấu giá: Cơ quan quản lý ra văn bản không đúng thẩm quyền, dân thiệt hại tiền tỷ, ai chịu?

PVKT Thứ năm, ngày 24/03/2022 07:27 AM (GMT+7)
Theo nhận định của Luật sư, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao không có chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Do đó, việc cơ quan này ra Quyết định Kháng nghị yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án là không đúng thẩm quyền.
Bình luận 0

Không đủ cơ sở và thẩm quyền hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án

Như Dân Việt đã đưa tin, sau gần 1 năm trúng đấu giá và hoàn thành nghĩa vụ tài chính bà Đinh Thị Ngọc vẫn chưa được bàn giao thửa đất số 434, tờ bản đồ số 22, diện tích 1.382,4 m2, tại đường Lý Thường Kiệt, Khu đô thị Phúc Lộc IV, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Tình trạng chậm bàn giao tài sản, gây ra thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân khi phải trả lãi ngân hàng. Theo tìm hiểu của PV, một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do vào ngày 14/1/2022, VKSND Tối cao ra Kết luận số 08/KL-VKSTC về việc Trực tiếp kiểm sát đột xuất hoạt động thi hành án dân sự tại Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Lạng Sơn.

Đáng chú ý, theo Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKSTC, VKSND Tối cao yêu cầu Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện hủy Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thi hành án số 18/HDDVĐGTS-THA ngày 6/10/2020.

Bài 3: Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu hủy Hợp đồng bán đấu giá tài sản có đúng thẩm quyền? - Ảnh 1.

Tình trạng chậm bàn giao tài sản khiến người trúng đấu giá "còng lưng" trả nợ. (Ảnh: PVKT)

Về Quyết định kháng nghị này, Luật sư Lê Phương Mai (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, về vụ việc trên, cả Bộ Tư pháp và VKSND Tối cao đã có quá trình thanh tra, kiểm sát quá trình tổ chức đấu giá tài sản thi hành án và đều có kết luận về một số sai phạm.

"Theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, cụ thể là Điều 77 Luật Đấu giá tài sản 2016, thì Bộ Tư pháp là cơ quan duy nhất có chức năng quản lý Nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản.

Điều 72 Luật đấu giá tài sản cũng quy định các trường hợp hủy kết quả bán đấu giá. Kết luận số 32/KL-TTR của Thanh tra Bộ Tư pháp đã khẳng định các vi phạm hành chính trong quá trình tiếp nhận đơn và hồ sơ đấu giá. Tuy nhiên, các vi phạm này không thuộc trường hợp hủy kết quả đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá. Cụ thể là quy định tại Điều 72 Luật đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ", Luật sư Lê Phương Mai phân tích.

Ngoài ra, Luật sư Lê Phương Mai cũng cho hay, theo quy định của pháp luật thì VKSND Tối cao được ra quyết định kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

"VKSND Tối cao không có chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động bán đấu giá tài sản nhưng lại nhận định việc chậm tiếp nhận hồ sơ bán đấu giá của Công ty đấu giá hợp danh Vĩnh Hưng là không khách quan, làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá là không chính xác và không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, một số vi phạm khác của tổ chức đấu giá tài sản đã được Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra kết luận hành vi đó không làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá tài sản", Luật sư Lê Phương Mai nhấn mạnh.

Hơn nữa, vị Luật sư cho rằng, Quyết định kháng nghị nêu trên do ông Nguyễn Quốc Việt, Phó vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký thay Vụ trưởng để Thừa lệnh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký ban hành là có dấu hiệu không đúng thẩm quyền.

"Nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 34 Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao "Kháng nghị phải bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại Điều 160 Luật THADS 2014; phải bằng văn bản theo mẫu quy định, do lãnh đạo Viện ký". Ông Nguyễn Quốc Việt chỉ là Lãnh đạo cấp Vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, không phải là lãnh đạo Viện.

Như vậy, Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao là không phù hợp với quy định của pháp luật, gây cản trở cho việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, xâm phạm nghiêm trọng Điều 103 Luật Thi hành án dân sự về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá", Luật sư Lê Phương Mai nêu ý kiến.

Người dân thiệt hại tiền tỷ, ai chịu trách nhiệm?

Phân tích thêm về những thiệt hại kinh tế của người trúng đấu giá, Luật sư Lê Phương Mai cho biết, về thời hạn, trình tự thủ tục bàn giao tài sản trúng đấu giá đã được pháp luật quy định rõ ràng. Cụ thể, tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền

"Với số tiền người mua tài sản bán đấu giá phải nộp khi trúng đấu giá là 83.886.000.000 đồng, đây là số tiền rất lớn nhưng lại không được bàn giao tài sản, không đưa được tài sản vào hoạt động kinh doanh để thu hồi vốn, trả lãi vay thì thiệt hại của người trúng đấu giá là vô cùng nghiêm trọng. Với thiệt hại này thì nếu phải thực hiện trách nhiệm bồi thường Nhà nước sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách", Luật sư Lê Phương Mai đánh giá.

Bài 3: Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu hủy Hợp đồng bán đấu giá tài sản có đúng thẩm quyền? - Ảnh 2.

VKSND Tối cao không có chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động bán đấu giá tài sản. (Ảnh: PVKT)

Về câu hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại nêu trên? Luật sư Lê Phương Mai thông tin thêm, trên phương diện pháp lý, khi xem xét trách nhiệm bồi thường sẽ xem xét cá nhân, tổ chức có lỗi gây ra thiệt hại thuộc đối tượng nào để áp dụng pháp luật cho phù hợp.

Trong đó, nếu là do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án thì áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017. Nếu là đối tượng khác gây thiệt hại thì áp dụng luật dân sự và pháp luật liên quan.

"Trong vụ việc này, người trúng đấu giá đã thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình, nộp tiền mua tài sản đấu giá trong thời hạn luật định nhưng không được Cục thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn bàn giao đúng thời hạn luật định (tối đa 60 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền) thì Cục thi hành án đã vi phạm về thời hạn bàn giao tài sản và phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Trường hợp trong quá trình xác minh, nếu nguyên nhân chậm bàn giao do cơ quan tố tụng khác như VKSND tỉnh Lạng Sơn hay VKSND Tối cao thì tùy theo hành vi vi phạm của các cơ quan tố tụng này để xác định trách nhiệm bồi thường Nhà nước của từng cơ quan tố tụng theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước", Luật sư Lê Phương Mai nhấn mạnh.

Quy định khoản 3, tại Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi thành một số điều của Luật thi hành án dân sự; Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, sung nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015, thì:

Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.

"Tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại thì phải bồi thường."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem