Vụ tai nạn 18 người thương vong ở Bình Định: Tài xế có sổ tâm thần, truy trách nhiệm được không?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 01/01/2022 14:36 PM (GMT+7)
Tiến sĩ luật đã có phân tích pháp lý xung quanh vụ việc tài xế gây tai nạn khiến 2 người chết, 16 người bị thương ở Bình Định nhưng lại có sổ tâm thần.
Bình luận 0

Cần làm rõ sổ tâm thần là thật hay giả

Ngày 31/12, đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho biết Cơ quan CSĐT Công an TX. An Nhơn (Bình Định) đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án đối với vụ tài xế Nguyễn Văn Thâu (36 tuổi, ở thôn Nhơn Nghĩa Đông, xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn) điều khiển xe đầu kéo gây tai nạn liên hoàn khiến 2 người chết, 16 người bị thương vào chiều 30/12.

Vụ tai nạn 18 người thương vong ở Bình Định: Tài xế có sổ tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự? - Ảnh 1.

Bước đầu tài xế Nguyễn Văn Thâu có bằng lái xe nhưng lại có sổ tâm thần. Ảnh: CACC

Ngay trong đêm 30.12, Công an TX. An Nhơn đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với tài xế Nguyễn Văn Thâu, kết quả đều âm tính. "Bước đầu xác định tài xế này có bằng lái xe nhưng lại có sổ tâm thần", đại tá Huỳnh Bảo Nguyên nói.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng, đối tượng gây tai nạn rồi bỏ chạy khiến nhiều người phải truy đuổi.

Điều đáng chú ý là tài xế bỏ chạy khỏi hiện trường, không có trách nhiệm với những người bị hại khiến hậu quả sự việc càng nghiêm trọng hơn gây bức xúc trong dư luận.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 để tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.

Theo ông Cường, trong vụ việc này có nhiều tình tiết đáng chú ý cần phải làm rõ, trong đó có việc đối tượng có hồ sơ bệnh án tâm thần nhưng vẫn có giấy phép lái xe, khi bị bắt giữ đối tượng có biểu hiện mất bình tĩnh, không tỉnh táo.

Điều đáng chú ý là ban đầu đối tượng khai nhận đã uống vài lon bia tuy nhiên khi kiểm tra lại không phát hiện nồng độ cồn hay chất cấm trong máu và hơi thở của người này .

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm việc để làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người này. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tài xế có biểu hiện tâm thần, không tỉnh táo minh mẫn sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi tại thời điểm gây tai nạn giao thông.

Ngoài ra, trường hợp người này có hồ sơ bệnh án tâm thần cũng làm rõ hồ sơ bệnh án đó, giấy chứng nhận tâm thần là thật hay giả, mức độ bệnh lý đến đâu, thời gian điều trị và hiệu quả điều trị như thế nào làm căn cứ giải quyết vụ án.

Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ giấy phép lái xe được cấp từ khi nào, thời điểm cấp giấy phép lái xe, tình trạng sức khỏe của người này ra sao, có đủ điều kiện sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hay không, giấy phép lái xe có phù hợp và do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế cũng như của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Có sổ thần, tài xế có phải chịu trách nhiệm?

Ông Cường phân tích, trường hợp giấy phép lái xe cấp sai quy định, tại thời điểm cấp giấy phép lái xe người này mắc bệnh tâm thần, không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông thì sẽ thu hồi, hủy bỏ giấy phép lái xe đồng thời xem xét trách nhiệm của đơn vị cấp giấy phép.

Vụ tai nạn 18 người thương vong ở Bình Định: Tài xế có sổ tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự? - Ảnh 3.

Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn do tài xế Nguyễn Văn Thâu gây ra. Ảnh: Bảo Thoa

Trong đó có thể áp dụng chế tài kỷ luật, xử phạt hành chính và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đơn vị cấp giấy phép nếu như có hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trường hợp phát hiện có giấy tờ giả như hồ sơ bệnh án hoặc giấy phép lái xe giả, cơ quan điều tra cũng sẽ xử lý về hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn hậu quả rất nghiêm trọng như vậy mà người này không mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015.

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Cường cho biết, trường hợp người lái xe này đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, với hậu quả làm chết 2 người và bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, tài phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù.

Còn trường hợp người này mắc bệnh tâm thần đến mức không còn khả năng nhận thức, không có khả năng điều khiển hành vi nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn giao thông hậu quả rất nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai giao phương tiện cho người này điều khiển; việc khám chữa điều trị bệnh tâm thần của ngày này được thực hiện như thế nào để xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem