Vụ vận chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài: Khung hình phạt nào Nguyễn Thị Nguyệt và đồng phạm phải đối diện?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 12/06/2022 15:24 PM (GMT+7)
Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn thành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, ở quận Tây Hồ) cùng 12 bị can khác về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Nguyệt và các đồng phạm có thể bị xử phạt thế nào?
Bình luận 0

Vận chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Theo truy tố, năm 2016, thấy nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của bị can Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh).

Vụ vận chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài: Hình phạt nào cho Nguyễn Thị Nguyệt và đồng phạm? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Công an tỉnh An Giang khám xét tiệm vàng Phước Nguyên.

Sau đó, Nguyệt cùng đồng phạm hợp thức hồ sơ dưới dạng xuất nhập khẩu hàng hóa để chuyển tiền thông qua 3 doanh nghiệp và 8 công ty "ma" do vợ chồng Nguyệt lập ra, cấu kết với một số nhân viên ngân hàng có chi nhánh ở Móng Cái (Quảng Ninh) để thực hiện các phi vụ chuyển tiền.

Để có hàng hóa, Nguyệt góp tiền mua linh kiện điện tử (IC) điều khiển từ Trung Quốc của một người tên A Vỹ rồi làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái, để tái xuất sang Trung Quốc.

Cáo trạng thể hiện từ năm 2016 - 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, Nguyệt cùng đồng phạm nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài. Qua đó, Nguyệt thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng còn làm rõ 10 cá nhân là chủ các doanh nghiệp, cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, giao tiền cho Nguyệt để chuyển trái phép qua biên giới.

Sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Việt Nam, người nào mang số tiền Việt từ 15 triệu đồng trở lên ra nước ngoài phải khai báo hải quan.

Cụ thể, Thông tư 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cá nhân khi xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam mang theo tiền mặt là ngoại tệ, đồng Việt Nam trên mức dưới đây phải khai báo hải quan cửa khẩu: 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; 15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp dù mang dưới 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối cũng phải khai báo hải quan.

Theo luật sư Hòe, hành vi vận chuyển tiền tệ qua biên giới vi phạm quy định về quản lý tiền tệ, tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tùy thuộc vào số tiền vận chuyển trái phép mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể là bị xử lý về "Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" được quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự 2015.

Điều luật này quy định, người nào vận chuyển hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng mà không khai báo sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Mức phạt sẽ tăng lên đến 5 năm nếu phạm tội có tổ chức; Vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…

Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Vị luật sư cho biết, như với số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới đặc biệt lớn như vụ việc trên, Nguyễn Thị Nguyệt và các đồng phạm sẽ có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.

Số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem