Vụ việc CSGT đánh người ở Bình Chánh: Mạnh tay ngăn chặn nạn đua xe nhưng không được hành xử phản cảm

Việt Sáng Thứ hai, ngày 29/03/2021 21:08 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hiện tại không có văn bản pháp luật nào cho phép CSGT đánh người tham gia giao thông, ngay cả khi người tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông đường bộ.
Bình luận 0

Liên quan đến sự việc xuất hiện clip CSGT đánh nhóm thanh niên tụ tập bên dàn xe gắn máy tại TP.HCM, dư luận xã hội có nhiều phản ứng trái chiều xung quanh vụ việc này.

Clip CSGT đánh người, mỗi bên nói một kiểu

Trước đó, ngày 28/3, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một người mặc sắc phục CSGT dùng tay đánh liên tục vào đầu một thanh niên đang ngồi bệt dưới đất. 

Tiếp đến, một CSGT khác đến đánh tiếp vào đầu thanh niên này, rồi lôi thêm một ngưởi khác đến ngồi gần thanh niên ban đầu.

Clip cũng ghi lại cảnh vị CSGT dùng chân đá về phía hai thanh niên nói trên. Clip được quay qua lớp kính xe ô tô.

Theo xác minh, clip ghi nhận trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM vào chiều 27/3.

csgt đánh người.jpg

Hình ảnh cắt từ clip vụ tối CSGT đánh người.

Theo thông tin từ Công an huyện Bình Chánh, lúc 15h30 ngày 27/3, Công an huyện Bình Chánh nhận được thông tin một số thanh thiếu niên tụ tập đua xe ở khu vực ấp 3, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. 

Sau đó, tổ công tác Đội CSGT - trật tự Công an huyện Bình Chánh đã cử 10 cán bộ, chiến sĩ đến xác minh, xử lý theo tin báo của người dân. 

Khi đến nơi, tổ công tác phát hiện một nhóm thanh niên tụ tập nẹt pô, gây mất an ninh trật tự nên kiểm tra. Tuy nhiên, nhóm này chống đối, rú ga bỏ chạy và lao xuống ruộng.

Lúc này, hai CSGT đuổi theo, khống chế và yêu cầu nhiều người ngồi xuống đất nhưng những người này văng tục, có lời nói xúc phạm, thách thức. Hai CSGT yêu cầu nhóm thanh niên ngồi im nhưng những người này tiếp tục lăng mạ, thách thức. 

Do thiếu kềm chế nên 2 CSGT đã có hành vi đánh, đá vào đầu 2 thanh niên và bị một người ngồi trong ôtô ghi hình tung lên mạng internet.

Sau đó, lực lượng chức năng đã đưa 14 thanh thiếu niên, 11 xe máy về trụ sở Công an xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh). Công an xã Tân Nhựt tạm giữ 5 xe không có giấy tờ (trong đó một xe không số khung, số máy, không biển số) và trả 6 xe.

Trong khi đó, nhóm thanh niên cho là họ quay clip để đăng youtube chứ không phải tụ tập đua xe.

Thông tin về sự việc, lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh xác nhận hai CSGT xuất hiện trong clip thuộc Đội CSGT-TT, Công an huyện Bình Chánh. Ban chỉ huy Công an huyện Bình Chánh đã nắm được thông tin và đang tiến hành kiểm tra, xác minh, sẽ có thông tin chính thức cho báo chí.

Nhiều chiều ý kiến vụ clip CSGT đánh người 

Liên quan đến việc này, người dân khi xem clip cũng có nhiều phản ứng khác nhau. Một số người ủng hộ lực lượng CSGT cần có biện pháp mạnh tay răn đe những đối tượng tụ tập tổ chức đua xe trái phép. 

Theo anh Nguyễn Văn Quý (Hà Nội) cho biết: "Nếu như sự việc đúng như CSGT nói, nhóm thanh niên này tụ tập đua xe nhiều lần nhưng xử lý, nhắc nhở không được thì việc xử lý cần mạnh tay, mang tính răn đe".

csgt đánh người.jpg

Cận cảnh việc CSGT dùng chân đạp vào đầu người dân.

Tuy nhiên theo anh Quý, lực lượng chức năng có thể mời nhóm đối tượng này về cơ quan công an làm việc thay vì đánh và đá vào đầu các đối tượng, tạo nên hình ảnh không đẹp.

Anh Trung Đặng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng ủng hộ lực lượng CSGT nói riêng và công an nói chung có biện pháp răn đe, phòng ngừa các đối tượng đua xe. 

"Sáng ra đọc thông tin tranh cãi về việc này, đến trưa lại đọc được tin ở một tỉnh miền Tây nhóm thanh niên chặn cả QL1 để tổ chức đua xe. Lực lượng chức năng cần có biện pháp mạnh tay răn đe đối tượng này" - anh Trung Đặng bày tỏ ý kiến.

Trong khi đó, bạn đọc Mai Xuân Nghị (Phú Nhuận, TPHCM) lại cho rằng: "Tôi nghe nói nhóm này chỉ quay clip và cũng thanh minh với CSGT nhưng không được. Việc lực lượng chức năng dùng chân đạp vào đầu người dân, người tham gia giao thông thế là phản cảm".

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), hiện tại không có văn bản pháp luật nào cho phép Cảnh sát giao thông được đánh người tham gia giao thông, ngay cả khi người tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông đường bộ.

"Trường hợp người vi phạm chống đối thì Cảnh sát giao thông có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính, chứ cũng không được phép đánh người vi phạm.

luật sư Bùi Quốc Tuấn.jpg

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sưTP Hồ Chí Minh.

Đối với một Cảnh sát giao thông thì ngoài việc phải tuân thủ, làm gương, chấp hành các quy định của pháp luật thì còn phải tuân thủ các quy định của ngành. 

Hành vi đánh người sẽ phần nào làm xấu đi hình ảnh của người công an nhân dân, do đó cơ quan, đơn vị chủ quản của chiến sĩ cảnh sát đó cần phải xem xét nhiều mặt vụ việc để có hình thức xử lý phù hợp", ông Tuấn nói.

Theo vị luật sư, việc đánh người là hành vi dùng vũ lực xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của người khác và đó là hành vi trái pháp luật. Tùy vào động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Luật sư Tuấn cho biết, trong vụ việc này, cần nắm rõ Thông tư 01/2016/TT-BCA về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông quy định về các trường hợp được dừng phương tiện để xác định hành vi của lực lượng CSGT.

Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA:

1. Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau: a) An toàn, đúng quy định của pháp luật; b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông; c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau: a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.

c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem