Vừa mở cửa, chưa bán được bao lâu chủ nhà đòi tăng giá mặt bằng

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 05/11/2021 12:34 PM (GMT+7)
Nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM đang gặp cảnh dở khóc, dở cười vì vừa mở bán, phục vụ tại chỗ chưa được bao nhiêu thì chủ nhà thông báo ngưng hỗ trợ, tăng lại tiền mặt bằng cho thuê.
Bình luận 0

Ngưng hỗ trợ tiền mặt bằng

Anh Việt Hùng - chủ một hệ thống gồm vài cửa hàng bán các món ăn Hàn Quốc, nằm rải rác tại các quận Bình Thạnh, Gò Vấp cho biết, sau khi TP.HCM mở cửa, hàng quán được bán tại chỗ, thì các chủ nhà đã thông báo không giảm tiền thuê mặt bằng nữa. Thời gian áp dụng ngay tháng 11 này.

"Một mặt bằng nhỏ của tôi tại Gò Vấp có giá thuê hơn 30 triệu đồng mỗi tháng, dịch vừa qua đóng cửa, chủ nhà giảm 50%. Thành phố cho hàng quán bán lại, chủ nhà cũng thông báo sẽ thu đủ, không hỗ trợ nữa", anh Hùng nói.

Vừa mở cửa, chưa bán được bao nhiêu thì chủ nhà đòi tăng giá mặt bằng lại - Ảnh 1.

Hàng quán sau giãn cách vắng khách. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo anh, việc chủ nhà không hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng nữa khiến giới kinh doanh "khó đủ đường". Nguyên nhân là TP.HCM vừa mở cửa, sức mua chưa thể bằng so với trước đây. 

Thời gian đầu bán mang đi, doanh thu hệ thống của anh Hùng chỉ bằng 1/4 so với trước. TP.HCM cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ, công suất hoạt động theo quy định chỉ bằng 50% công suất tối đa. 

Nhu cầu của người dân cũng giảm sau đợt giãn cách kéo dài và tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp. Điều này khiến doanh thu giảm sâu, chủ nhà lại không tiếp tục hỗ trợ tiền mặt bằng, khiến anh đau đầu.

Chị Tuyết Thanh - chủ một quán phở trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) cũng cho biết mới được chủ nhà thông báo không hỗ trợ tiền thuê mặt bằng nữa, vì đã được bán trở lại rồi.


Vừa mở cửa, chưa bán được bao nhiêu thì chủ nhà đòi tăng giá mặt bằng lại - Ảnh 3.

Mặt bằng có giá thuê 15 triệu mỗi tháng chỉ để bán điểm tâm sáng. Ảnh: Hồng Phúc.

Chị Thanh chia sẻ mặt bằng với một quán nhậu, giá thuê là 15 triệu đồng mỗi tháng. Chị chỉ bán phở, bún bò vào buổi sáng. Suốt 3-4 tháng đóng cửa, chị được chủ nhà hỗ trợ giảm 50% nhưng từ tháng này sẽ lấy đủ. 

"Tôi chỉ e ngại là khách ít quá, thậm chí xếp bàn giãn cách nhưng hiếm khi nào khách đến ngồi đầy trong quán. Tình hình này thì chúng tôi cũng rất khó khăn", chị nói.

Quán nhậu khóc ròng

Chia sẻ với Dân Việt, ông D. chủ một quán nhậu trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) cho biết, chủ nhà ngưng hỗ trợ giảm giá tiền thuê mặt bằng khiến các quán ăn đau 1 thì các quán nhậu như ông lại đau 10. Nguyên nhân là TP.HCM chỉ mới cho quận 7 và TP.Thủ Đức thí điểm bán bia, rượu.

Ông tiết lộ, mặt bằng có giá thuê là 60 triệu đồng mỗi tháng. Đợt dịch vừa qua, chủ nhà hỗ trợ giảm 50% giá thuê. Nhưng từ tháng 10, khi thành phố cho bán thức ăn mang đi thì giá thuê đã rục rịch tăng lại. Từ tháng 11, quán ăn được phục vụ tại chỗ nên chủ nhà sẽ lấy đủ, không hỗ trợ giảm giá nữa.

"Hàng quán phục vụ lại rồi, nhưng mình là quán nhậu đã bán được gì đâu. Hiếm người đến quán nhậu chỉ để ăn. Bán mang về thì để cầm chừng thôi", ông D. nói.


Vừa mở cửa, chưa bán được bao nhiêu thì chủ nhà đòi tăng giá mặt bằng lại - Ảnh 4.

Nhiều quán nhậu chưa được phục vụ lại bia, rượu, nhân viên chỉ hoạt động cầm chừng bằng việc bán thức ăn mang về. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo chủ quán nhậu này, mở cửa hoạt động hiện nay, chỉ đủ tiền trả nhân viên chứ chưa tính đến đủ để trả chi phí mặt bằng. Đó là lý do nhiều quán nhậu hiện vẫn còn đóng cửa. 

Ông kỳ vọng, sau khi thí điểm ở quận 7 và TP.Thủ Đức, TP.HCM sẽ sớm cho nhà hàng, quán ăn ở các quận khác được bán bia rượu trở lại.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam cho biết khi thực hiện những khảo sát đối với các khách thuê, tập trung chủ yếu vào nhóm F&B (kinh doanh nhà hàng, ẩm thực, đồ uống) điểm nổi bật có thể nhận thấy rằng họ đang hoạt động thiên về hình thức giao hàng tận nơi hơn là khách đến tận cửa hàng để ăn uống.

Về doanh thu, trong thời gian vừa qua, các khách thuê F&B cho biết doanh thu của họ chỉ ở mức khoảng 20-30% so với thời điểm tháng 4-5 khi mà việc giãn cách chưa quá nghiêm ngặt.

"Chúng tôi ghi nhận rằng chi phí mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B", bà Trang nhận định và cho biết đây là ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của đợt giãn cách lịch sử vừa qua tại TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem