Vui như thi lái… máy cấy

Thứ năm, ngày 19/02/2015 08:27 AM (GMT+7)
Một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tưởng chừng như cả đời gắn với bông lúa, cỏ cây, hoa lá..., những nông dân thủ đô đã hóa thân thành những “nông dân hiện đại” quy tụ về  xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội để thi cấy bằng máy.
Bình luận 0

"Hội thi thợ lái máy cấy giỏi toàn thành phố Hà Nội năm 2015" được tổ chức vào ngày 15.1  do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, phối hợp cùng Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội tổ chức. 


Ông Ngô Đình Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội
  Lần đầu tiên trên địa bàn thành phố tổ chức cuộc thi này nhằm từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó giải phóng sức lao động cho bà con nông dân, tăng thu nhập, giảm chi phí trong quá trình sản xuất. Đồng thời, thông qua hội thi để tìm ra những thợ giỏi từ đó nhân rộng và thúc đẩy nâng cao tỷ lệ diện tích cấy lúa bằng máy trên toàn thành phố.  

Tổng cộng có 19 thí sinh đến từ 8 huyện trên địa bàn thành phố gồm huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai, Đông Anh và Phú Xuyên nhập cuộc thi tài. Đồng hành cùng với các đội tuyển là đông đảo bà con sản xuất nông nghiệp đi theo cổ động hết mình. Đây là những thí sinh tiêu biểu, những thợ lái máy cấy giỏi được lựa chọn từ gần 200 thợ lái máy cấy của các huyện ngoại thành Hà Nội.

Các thi sinh đều bày tỏ sự vui mừng khi được tham gia hội thi.  "Dùng máy cấy nhanh hơn gấp hàng chục lần so với cấy tay" - thí sinh Nguyễn Văn Chinh (Tân Hưng, Sóc Sơn) cho hay.

Mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nếu được ứng dụng thành công sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, làm giảm lao động trong nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hiện nay ở nhiều làng quê, những lao động chính trong nông nghiệp thường đi làm ăn xa cả năm mới về quê. Bài toán ấy đang chờ đáp án cuối cùng nếu cả “3 nhà”: Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà nông, cùng xắn tay vào cuộc, tháo gỡ cho nông dân.

Chung cuộc, giải Nhất là một chiếc máy cấy Kubota đã thuộc về anh Dư Mạnh Cường (Ứng Hòa); 2 giải Nhì: hai máy gieo hạt được trao cho hai nông dân khác; ngoài ra 3 giải Ba gồm 100 khay đựng mạ và 4 giải Khuyến khích là giá thể sản xuất mạ khay cũng đã được trao.

img

Các thí sinh tiến hành các bước kiểm tra máy kỹ càng trước khi xuống cấy.

 

img

Thí sinh cao tuổi nhất hội thi, nông dân Nguyễn Văn Thành (61 tuổi, Văn Nhân) chia sẻ: “Tham gia hội thi là dịp để chúng tôi được cọ sát, được học hỏi kinh nghiệp trong việc lái máy cấy và xử lý các tình huống trong việc cấy." 

 

img

Hội thi diễn ra với nhiều điều bất ngờ, người bắt đầu trước và về đích trước cũng chưa hẳn là người giành được sự đánh giá cao từ phía Hội đồng chấm thi. 

 

img

img

Thể lệ tham gia cuộc thi đó là mỗi thi sinh tham gia cấy 1 sào ruộng, thời gian cấy không quá 30 phút với 6 tiêu chí đã được công bố: kiểm tra, điều chỉnh máy trước khi cấy; vận hành máy khi không thực hiện việc cấy; chuẩn bị mạ trước khi cho vào máy cấy; thực hiện công cấy; khắc phục sự cố trong quá trình cấy, cấy nhanh và đẹp. 

 

img

Việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp để thay thế sức người là ước mơ ngàn đời của người nông dân trong tỉnh cũng như cả nước.

 

img

Nét mặt tươi vui của thí sinh Phạm Quang Nhu sau khi hoàn thành xong bài thi.

 

img

 Thí sinh Dư Mạnh Cường (Ứng Hòa)- người đạt giải Nhất cuộc thi chia sẻ: " Khi thi, mình luôn tâm niệm việc "chậm nhưng chắc".

 

Hồng Liên – Huyền Trang (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem