Xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai: Đối mặt với đói nghèo

Thứ năm, ngày 17/02/2011 15:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần 36 năm đất nước thống nhất, cuộc sống của bà con đồng bào J'rai, Bahnar ở 14 buôn, làng của xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai vẫn đối mặt với đói nghèo, thất học.
Bình luận 0

Xã Ayun có hơn 660 hộ với 3.240 khẩu, thì gần 82% thuộc diện nghèo. Nghèo bởi thiếu nước tưới quanh năm, đất đai bạc màu nên hơn 864ha đất sản xuất mỗi năm chỉ canh tác được 6 tháng, chủ yếu là trồng lúa rẫy, ngô, sắn.

Đói nghèo thường trực

img

Trẻ em làng K'Păih xuống sông lấy nước sinh hoạt.

Theo ông Đinh A Nhu - Bí thư Đảng ủy xã Ayun: "Cứ mùa giáp hạt, vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, nhiều hộ thiếu đói cần trợ cấp lương thực, thuốc men".

Căn nhà tềnh toàng của già Đinh Klung (82 tuổi, dũng sĩ diệt Mỹ) ở làng H'ring H'rang 2 có 5 người (vợ chồng ông và gia đình con trai). Mặc dù mỗi tháng, gia đình ông nhận trợ cấp gần 1,3 triệu đồng nhưng vẫn không sao thoát khỏi nghèo, đói. “Gia đình mình chỉ có gần 3 sào đất rẫy khô cằn quanh năm. Con trai mình đi làm rẫy cũng không được nhiều lúa. Cứ đến tháng 3, 4 là thiếu gạo ăn, phải đợi huyện, xã cứu đói" - già Đinh Klung cho biết.

Không riêng gia đình già Đinh Klung, hàng chục hộ trong xã cũng quanh quẩn trong nghèo đói. Nỗ lực đuổi đói, nghèo là nỗi lo thường trực của các cấp Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Bahnar, J'rai trên địa bàn…

Không ai học hết THPT

img

Những cánh đồng khô nước tại xã Ayun, huyện Chư Sê chỉ trồng được lúa rẫy.

Do địa hình trắc trở, các làng Keo, K'Păi… như một ốc đảo khi bị dòng sông Ayun chia tách với bên ngoài. Khó khăn này không chỉ khiến kinh tế nghèo nàn mà hành trình đến với chữ viết của con em các buôn làng cũng gian nan.

Trong những năm kháng chiến, người dân xã Ayun sát cánh cùng cách mạng, tham gia gần 100 trận chiến, tiêu diệt 2 trung đội dân vệ, phá hủy nhiều xe quân sự, máy bay của địch… Đồng bào Bahnar, J'rai dựng làng căn cứ , kho cất giấu vũ khí, dự trữ lương thực, che chở gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ, 78 người con đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã hy sinh trước ngày đất nước thống nhất. Xã Ayun vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và sẽ tổ chức đón nhận vào ngày 18.2 này.

Nhiều năm nay, người lớn đi làm rẫy, trẻ em đi học đều phải lội ngang dòng sông khi nước xuống, hoặc chọn giải pháp băng qua sông Ayun bằng bè tre tự tạo.

Ông Dương Mạnh Mẫn - Chủ tịch UBND xã Ayun ngậm ngùi: "Cho đến nay, trong xã vẫn chưa có người học hết bậc THPT”.

Gặp chúng tôi khi đang trên đường từ trung tâm xã vào làng K'Păih dạy bám làng, thầy giáo Phan Công Phùng cho biết:

"Do điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, cả lớp 3 bám làng K'Păih tôi đang dạy chỉ có 9 học sinh. Ít vậy, nhưng nhiều khi lớp không đủ học sinh. Tới mùa gặt lúa, các em theo bố mẹ lên rẫy. Mùa khô, chúng đi nhặt phân bò… Nước sông Ayun thì lên xuống thất thường, nhiều hôm các em không thể vượt sông để đến lớp".

Theo ông Phùng, để giúp học sinh các làng K'păih, Keo đi học, chính quyền địa phương đã trang bị dây cáp nối hai bên bờ sông và người dân tự kết thành những chiếc bè tre đu sang sông… Tuy nhiên, hầu như năm nào cũng vậy, đoạn dây cáp nối 2 bờ sông thường… đứt đoạn vào giữa mùa mưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem