"Xài" gần hết room tín dụng: Ngân hàng "ngóng" mở van, Chủ tịch Agribank nói điều bất ngờ
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn cùng kỳ năm trước (6,9%).
Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 4,09%).
Nhiều ngân hàng "xài" gần hết room tín dụng được cấp
Tín dụng bật tăng mạnh khiến nhiều ngân hàng thương mại đã gần "cạn" room tăng trưởng tín dụng của cả năm. Do đó, để đáp ứng cơn "khát vốn" cho phục hồi tăng trưởng, lãnh đạo các ngân hàng đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm nới room tín dụng phù hợp, song đến nay vẫn chưa ngân hàng nào được "gật đầu"
Chẳng hạn như tại Vietcombank, tín dụng của ngân hàng đã đạt gần 9% sau 4 tháng đầu năm so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%.
Hay như, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% tại cùng thời điểm trên, dù room được cấp là 10%.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khi đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 14,3% ngay sau quý I/2022, gần chạm trần mốc 15% được cấp.
Mới nhất, tại Hội nghị trực tuyến triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn, cho biết nhà băng này được cấp hạn mức tín dụng 7% trong năm 2022, đến nay sau 6 tháng tín dụng của Agribank đã tăng trưởng gần 6%. Như vậy, Agribank chỉ còn dư địa hơn 1% dành cho 6 tháng cuối năm.
"Với hơn 1% tăng trưởng trong 6 tháng, sẽ không đáp ứng được nhu cầu khách hàng, nếu đáp ứng nhu cầu khách hàng sẽ vi phạm quy định", ông Ấn nói.
Dù vậy, Chủ tịch Agribank khẳng định, Agribank sẽ tuân thủ hướng dẫn chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Chủ tịch Agribank không ủng hộ việc nới mạnh room tín dụng trong nửa cuối năm. Bởi điều này sẽ tạo nên cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng. Kết quả, đầu ra doanh nghiệp "gánh", gia tăng áp lực về lạm phát.
"Tôi hi vọng các ngân hàng thương mại cố gắng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng vì nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, tăng trưởng huy động vốn năm nay không tăng mấy so với năm trước trong khi tín dụng tăng quá mạnh thì các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất. Tôi mong rằng Chính phủ, NHNN sẽ có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp, nếu hy sinh để tăng trưởng thì áp lực lạm phát rất lớn. Agribank mong rằng không có đột biến quá lớn về tín dụng để không xảy ra cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay, tăng lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0", ông Ấn chia sẻ.
Tuần sau, ngân hàng sẽ được mở room tăng trưởng tín dụng?
Liên quan đến vấn đề room tín dụng cho các ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, cuối tuần tới đây, NHNN sẽ tổ hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại Hội nghị này, các vấn đề của ngành như tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá... sẽ được NHNN giải quyết.
Mặc dù NHNN chưa ra thông điệp rõ ràng nào về việc sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng vào kỳ họp tới đây, tuy nhiên trong các báo cáo của nhiều công ty chứng khoán đều bày tỏ lạc quan vào triển vọng của ngành ngân hàng thời gian tới.
Cụ thể, báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2022, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá triển vọng quý III của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng của NHNN - được dự báo vào trung tuần tháng 7, sẽ giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành.
Song, nhóm chuyên gia không kỳ vọng mức room mới sẽ tăng quá mạnh do NHNN đang thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, theo báo cáo của Yuanta Việt Nam, mặc dù Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không vội nới room tín dụng khi kinh tế vĩ mô đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong quý II, nhưng các ngân hàng sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn trong quý III/2022. Theo Yuanta, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng trong tháng 8 thay vì tháng 7 như thị trường kỳ vọng.
Hàng loạt ngân hàng có lợi thế được cấp thêm hạn mức (room) tín dụng được thị trường dự báo gồm: Vietcombank, MB, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank,... Đây đều là các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt.