Xây dựng các tổ, nhóm cho lao động di cư

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 15/11/2019 06:11 AM (GMT+7)
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 11 triệu lao động di cư (LĐDC). Trong đó, có khoảng 1/3 là LĐDC tự do, nhưng lại thiếu tổ chức đoàn hội để đứng ra bảo vệ quyền lợi. Đây cũng là lý do khiến đa phần LĐDC gặp khó khăn trong an sinh xã hội, việc làm.
Bình luận 0

Khó khăn tập hợp lao động di cư

Tại hội thảo “Kết nối chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2020 của các nhóm LĐDC nòng cốt” (ngày 14/11), bà Nguyễn Hoàng Yến – quản lý chương trình Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) - thành viên của Mạng lưới Hành động vì LĐDC (M.net) cho biết, Việt Nam có tỷ lệ LĐDC khá đông, khoảng hơn 11% tổng dân số. Nhưng do đặc thù lao động tự do, không theo giờ giấc nên việc tập hợp họ gặp nhiều khó khăn.

“Thực tế, LĐDC rất cần tổ nhóm để chia sẻ thông tin về kinh nghiệm tìm việc, kinh nghiệm buôn bán, cách tiếp cận chính sách an sinh như tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); đăng ký tạm trú...” – bà Yến nói.

img

Bà Phùng Thị Xuyên trình bày về những khó khăn mà nhóm bốc vác chợ Long Biên (Hà Nội) phải đối diện trong quá trình làm việc.  Ảnh: M.N

Bởi vậy, nhiều nhóm LĐDC chịu sự bóc lột, áp bức trong quá trình làm việc. Ví dụ như nhóm lao động bốc vác thường xuyên bị bóc lột, ép lương. Ngay cả đối tượng giúp việc gia đình, dù luật đã có điều chỉnh yêu cầu có hợp đồng lao động, nhưng thực tế không triển khai được.

Theo bà Yến, hiện nay nhiều nơi đã vận động được LĐDC tham gia các tổ hội (công đoàn, hội phụ nữ...) nhưng hiệu quả chưa cao, bản thân các lao động chưa nhận được thông tin hỗ trợ nhiều từ các tổ chức này. Vì vậy, rất cần một tổ chức đứng ra đại diện cho LĐDC, đại diện cho họ khi cần thương lượng về các vấn đề việc làm, tiền lương thỏa đáng và tìm cách tiếp cận gói an sinh như: Thuê nhà giá rẻ, mua điện nước giá rẻ, mua BHYT, BHXH...

Khảo sát quy mô nhỏ của Viện Light cho thấy, 62% LĐDC có nhu cầu vào nhóm tập hợp để tìm nơi sẻ chia; 52% LĐDC mong muốn có tổ chức tập hợp để được hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi việc làm, an sinh.

Dù thấy được sự cần thiết của việc tập hợp LĐDC phi chính thức, nhưng không phải LĐDC nào cũng mong muốn được tham gia vào tổ chức nghề nghiệp, hoặc hội LĐDC. Bà Phùng Thị Xuyên (50 tuổi), làm nghề bốc vác ở chợ Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân tôi và các chị em khác là lao động tự do, công việc không ổn định, lúc làm lúc không... cũng không xác định làm công việc này lâu dài khó tham gia tổ nhóm” – bà Xuyên nói.

Chú trọng điều LĐDC cần

Nhấn mạnh những đóng góp to lớn của LĐDC tới sự phát triển của xã hội, và việc cần thiết phải thành lập tổ chức tập hợp họ, ông Nguyễn Vân Anh – chuyên gia lao động độc lập cho rằng thành lập tổ chức tập hợp LĐDC, việc đầu tiên cần làm là xem  LĐDC họ cần gì, có thích vào tổ chức đại diện không?

Hiện nay, M.Net đang tập hợp 75 nhóm LĐDC với khoảng hơn 1.000 LĐDC làm nhiều công việc khác nhau. Có thể kể tới một số nhóm nòng cốt như: Nhóm đồng nát; nhóm giúp việc gia đình; nhóm bán hàng rong; nhóm công nhân; nhóm xe ôm...

“Nhiều LĐDC chỉ xem những công việc này là tạm thời, không có ý định gắn bó. Thậm chí, một số người còn cảm thấy mặc cảm vì là người di cư, chối bỏ bản thân mình là lao động bốc vác, giúp việc nhà... Nếu vậy, rõ ràng họ không xem đó là một công việc và sẽ không có nhu cầu vào tổ chức nào” – ông Anh nói.

Đó là chưa kể, nhiều LĐDC không hiểu hết ý nghĩa của việc tập hợp tổ nhóm. Một số người cho rằng, vào tổ nhóm mất thời gian, tốn tiền lệ phí, không cần thiết... nên sẽ không tham gia.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng thay vì thành lập các hội nghề nghiệp, bước đầu nên xây dựng, thành lập các tổ nhóm theo kiểu “tương thân, tương ái”. Sau đó, từng bước tăng cường năng lực cho các nhóm để hình thành nên các tổ chức nghề nghiệp của LĐDC.

Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Viện trưởng Viện Light cho biết, hiện nay Viện đang phối hợp cùng với các tổ chức có liên quan hỗ trợ nhóm LĐDC hình thành tổ chức tập hợp LĐDC. Mặc dù vậy, việc xúc tiến thành lập tổ nhóm này cũng gặp khá nhiều khó khăn.

“Khó khăn đầu tiên phải kể tới chính là cơ chế chính sách về việc thành lập các tổ hội tập hợp LĐDC chưa rõ ràng. Nếu có thành lập cũng chưa biết trực thuộc ai, cơ chế hoạt động thế nào? Khó khăn thứ hai là do năng lực của người LĐDC còn hạn chế, nếu thành lập tổ hội sẽ hoạt động thế nào, ai điều phối? Khó khăn thứ ba là cách thức, quy chế để tổ chức hội hoạt động, tránh xung đột với một số tổ chức nghề nghiệp hiện có. Khó khăn thứ tư là sự lúng túng trong hệ thống quản lý, tiếp cận của cơ quan quản lý. Bản thân cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị độc lập chưa hiểu sẽ phải hỗ trợ nhóm, đoàn thể này như thế nào” – bà Giang phân tích.

Hiện nay, Viện Light cùng nhiều tổ chức đang từng bước giải quyết những khó khăn trên. Trước mắt, ưu tiên việc nâng cao năng lực cho LĐDC, thực hiện kết nối nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan và xúc tiến việc cải thiện chính sách. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem