Xây dựng nông thôn mới năm 2023: Đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thảo Trang - Nguyên An Thứ sáu, ngày 17/02/2023 12:06 PM (GMT+7)
Sáng 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2023.
Bình luận 0

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương và đại biểu văn phòng điều phối NTM 63 tỉnh, thành phố.

Hội nghị đánh giá, phân tích những điểm mạnh, những khó khăn, những hạn chế trong công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai xây dựng NTM thời gian vừa qua. Đồng thời, đề xuất giải pháp, hiến kế để phấn đấu đạt được chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Xây dựng nông thôn mới năm 2023: Đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng các đại biểu tham quan các gian hàng OCOP bên lề hội nghị. Ảnh: Nguyễn Luyên

Theo báo cáo được ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương trình bày tại Hội nghị thì tính đến tháng 02/2023, cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 958 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 113 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Kết quả triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đến hết năm 2022 đã có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,2% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Đã có 4.586 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là HTX, 25,6% là doanh nghiệp, 33,5% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như (Đồng bằng sông Hồng: 100%, Đông Nam Bộ: 92,6% trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 47,5%, Tây Nguyên 57,8%); vẫn còn 04 tỉnh8 thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn "trắng xã NTM"9, trong đó, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) bình quân mới đạt 6,9 tiêu chí/xã. 3.6. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội... Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Xây dựng nông thôn mới năm 2023: Đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Về kết quả huy động nguồn lực thực hiện Chương trình năm 2022, đến tháng 12/2022, cả nước huy động được khoảng 621.324 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (tăng 1,3 lần so với năm 2021), trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 77.397,8 tỷ đồng. Cụ thể: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 11.000 tỷ đồng (chiếm 1,8%), trong đó: Vốn đầu tư: 9.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp: 2.000 tỷ đồng.

Vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện Chương trình khoảng 66.397,8 tỷ đồng (chiếm 10,7%); Lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác: 49.967 tỷ đồng (chiếm 8%); Tín dụng: 436.738 tỷ đồng (chiếm 70,3%); Doanh nghiệp: 35.503 tỷ đồng (chiếm 5,7%); Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp: 21.848 tỷ đồng (chiếm 3,5%).

Tuy nhiên, một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Do vậy, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao năm 2022. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình đến hết tháng 12/2022 mới đạt 47,3%.

Để thực hiện được mục tiêu phấn đấu năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng ít nhất 15 đơn vị cấp huyện so với năm 2022), có 7-8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.000 sản phẩm so với năm 2022).

Để thực hiện được mục tiêu phấn đấu năm 2023 hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp cần tập trung tham mưu thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất là tập trung hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo các cấp (trung ương, địa phương), Tổ công tác thực hiện tốt Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình năm 2023 được Chính phủ giao, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của cả Chương trình giai đoạn 2021- 2025; tham mưu kiện toàn hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp thống nhất, đồng bộ theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022, đó là: Kế thừa bộ máy đã được xây dựng giai đoạn 2016 - 2020; đảm bảo đồng bộ, thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo chuyên trách, chuyên nghiệp, ổn định, bền vững nhưng không làm phát sinh tổng biên chế được giao, trong đó, cần chú trọng biệt phái cán bộ để thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; tiếp tục phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các địa phương xây dựng và phát sóng chuyên mục "Miền quê đáng sống" trên VTV1; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, nhất là đưa phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân.

Thứ ba là tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…

Thứ tư là tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình. Đặc biệt, Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thành ban hành các văn bản cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, nhất là quy định các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp; chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và bền vững.

Thứ năm, Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo, UBND cấp tỉnh hoàn thành việc ban hành Kế hoạch triển khai 06 chương trình chuyên đề. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung thành phần, nhất là các chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM ở cơ sở. Văn phòng Điều phối NTM Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của chương trình chuyên đề (do Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao chủ trì) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ sáu, Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển trong nước, vốn nước ngoài, vốn sự nghiệp) năm 2023, trong đó ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương thuộc các chương trình chuyên đề; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương được giao trong năm 2023 (bao gồm các nguồn vốn năm 2022 được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2023) đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; chủ động tham mưu cân đối, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã); lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 02 Chương trình MTQG còn lại và các chương trình, dự án khác để ưu tiên bố trí nguồn vốn NSNN hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM giữa các vùng, miền; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng NTM; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện cho nội dung cụ thể, do Hội đồng nhân dân xã thông qua.

Thứ bảy là tiếp tục tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, các Tổ chức phi chính phủ (NGOs), các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung của Chương trình.

Và cuối cùng là hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới cần tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; tham mưu triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Đồng thời chủ động chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình.

TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI

NÔNG THÔN MỚI TRUNG ƯƠNG

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem