Xây dựng NTM ở Quảng Nam: Ưu tiên phát triển cánh đồng mẫu lớn

Đại Nghĩa Thứ sáu, ngày 05/09/2014 08:32 AM (GMT+7)
Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), với nhiều cách làm hay và sáng tạo, Quảng Nam đã có một diện mạo mới, sức sống mới.
Bình luận 0

Trưởng phòng NNPTNT huyện Duy Xuyên – ông Văn Bá Năm, cho biết, triển khai xây dựng NTM, huyện ưu tiên tập trung hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn để phát triển cây màu, lúa giống theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế rất lớn, thu nhập nông dân tăng nhiều lần so với trước đây.

Duy Xuyên đã chủ động xây dựng được 11 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích hơn 376ha. Trong đó, có nhiều cánh đồng sản xuất lớn như: Cánh đồng Cả (xã Duy Sơn); Câu Lâu Đông (xã Duy Phước), cánh đồng dưa hấu ở Duy Châu – Duy Trinh…

Bên cạnh đó, mô hình phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được địa phương chú trọng. Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả như: Nuôi gà thả vườn (Duy Châu), heo hướng nạc (Duy Sơn, Duy Hòa), với quy mô 1.000 con heo/hộ; nuôi chim trĩ với quy mô 1.000 con/hộ (Duy Thu)…

Còn tại huyện Đại Lộc, ông Hồ Ngọc Mẫn- Trưởng phòng NNPTNT cho biết, từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, Đại Lộc đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao.

Tiêu biểu như mô hình trồng chuối lùn tập trung chuyên canh ở xã Đại Hiệp, Đại Hòa, thị trấn Ái Nghĩa… với diện tích trên 230ha, mỗi năm cho ND thu nhập từ 120 – 150 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau xen canh ở cánh đồng Bàu Tròn, xã Đại An, cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi bò vỗ béo ở Đại Hòa…

Ông Nguyễn Văn Gặp - Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Phó Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam cho biết, trong gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, Quảng Nam nổi lên nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu, một số địa phương có nhiều cách làm hay và sáng tạo.

Trong đó có nhiều mô hình tiêu biểu đang được nhân rộng khắp các địa phương, như: Dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất nông sản hàng hoá; xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật... Ngoài ra, Quảng Nam đã tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn VietGAP, mô hình cải tạo vườn tạp gắn với chỉnh trang vườn nhà...

Đặc biệt, nhiều xã miền núi ngoài sản xuất các loại cây con truyền thống, đã tập trung phát triển các cây, con chủ lực: Cao su, cây nguyên liệu giấy; chăn nuôi bò thịt, nuôi nhím... đạt hiệu quả kinh tế cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem