Xây dựng NTM ở thị xã Sơn Tây: Nhiều tiêu chí gặp khó

Thứ sáu, ngày 15/11/2013 09:35 AM (GMT+7)
Với địa hình chủ yếu là đồi gò, đồng ruộng manh mún, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã chọn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm hướng đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0
Dồn điền đổi thửa vừa chậm, vừa khó

Thị xã Sơn Tây có 15 xã, phường, trong đó có 6 xã thực hiện xây dựng NTM. Ông Phùng Huy Vinh – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết, do có địa hình đồi gò, trũng, kinh tế khó khăn nên việc xây dựng NTM trên địa bàn rất chậm trễ, trong đó nan giải nhất là vấn đề vốn và dồn điền đổi thửa (DĐĐT).

Cũng do thiếu vốn nên hiện có khoảng 40 công trình thi công dở phải dừng, hoặc thi công cầm chừng. Đơn cử như xã điểm Sơn Đông, đề án phê duyệt 80 tỷ đồng, song hiện thị xã mới phân bổ được 37 tỷ đồng, còn lại xã chỉ biết trông chờ vào việc đấu giá đất, nhưng do bất động sản đóng băng, gần như không có giao dịch nên xã cũng không có nguồn thu.

Mô hình trồng rau an toàn ở xã Sơn Đông đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng rau an toàn ở xã Sơn Đông đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đánh giá của thành phố, hiện Sơn Tây là một trong những nơi thực hiện DĐĐT chậm nhất. Nguyên nhân sâu xa, theo ông Vinh là do thiếu vốn, còn nguyên nhân trực tiếp là do địa hình đồi gò, trũng, nhiều hộ có đến 11 – 12 thửa ruộng nên việc dồn thành ô thửa lớn quả là một thách thức. Ông Vinh khẳng định: “Chúng tôi chỉ có thể dồn khu, chứ rất khó dồn thành ô thửa lớn như các huyện đồng bằng”.

Ông Phùng Trọng Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết thêm: “Xã tôi có 30 xứ đồng thì có tới 10 xứ đồng xấu. Hầu hết các thôn đều có 3 dạng ruộng là bậc thang, gò đồi và trũng, do vậy rất khó đổ đồng để bốc thăm mà vẫn phải chia ra từng loại ruộng, rồi dồn thành một khu cho tiện canh tác, chứ nếu cào bằng, ai bốc thăm phải ruộng xấu thì chỉ còn nước bỏ ruộng”.

Tập trung chuyển đổi

Mặc dù DĐĐT chậm, nhưng theo ông Vinh, quan điểm của thị xã là khó cũng phải làm và chỉ có DĐĐT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thì đời sống người dân mới được cải thiện. Theo đó, thị xã đã phê duyệt 6 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có mô hình nuôi chim trĩ với hơn 5.000 con ở các xã Trung Hưng, Sơn Đông, Cổ Đông, Đường Lâm; dự án trồng hơn 4.000 cây bưởi Diễn ở các xã Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn…; vùng sản xuất chè ở xã Kim Sơn, với diện tích 30ha.

Theo kế hoạch, 100% xã của Sơn Tây sẽ về đích trong năm 2018, trong đó Sơn Đông sẽ về đích năm 2013.

Ngoài ra, thị xã cũng đã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 20ha và 5ha hoa. Hiện các mô hình đều phát triển tốt, đặc biệt là mô hình nuôi chim trĩ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều hộ có thu nhập cao. Ông Nguyễn Long Giang – Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết, đến nay xã đã đạt 12/19 tiêu chí và có 5 tiêu chí gần đạt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6% xuống 2,7%.

Ông Hà Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, thời gian tới, thị xã tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thực hiện xong DĐĐT. Trong đó, thị xã sẽ tập trung vào các cây, con đặc sản và đây cũng được coi là chìa khóa góp phần xây dựng NTM thắng lợi.
Nam Tùng Sơn (Nam Tùng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem