Xây dựng “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng

Quỳnh Dung Thứ ba, ngày 31/08/2021 06:17 AM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp đang nỗ lực ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời hướng đến thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2021.
Bình luận 0

Hiện toàn ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp xây dựng "vùng xanh" cho nông sản, duy trì tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ổn định sản xuất, duy trì tăng trưởng

Để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, từ đầu năm 2021, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm hoạt động nuôi trồng, thu hoạch, chế biến không bị gián đoạn, xây dựng những "vùng xanh" nông sản... Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động duy trì sản xuất, kinh doanh bằng nhiều cách như thực hiện phương án "3 tại chỗ", mở thêm nhiều điểm bán hàng...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Như So cho biết: Mỗi ngày, công ty đưa ra thị trường hơn 3.000 con lợn với giá dao động quanh mức 55.000 đồng/kg... Còn Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà thông tin: Hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện ích..., với sản lượng mỗi ngày cung ứng gần 1 tấn rau, củ, quả các loại.

Sản xuất nông nghiệp các tháng cuối năm: Tạo “vùng xanh” cho nông sản - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Tường ở phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) chăm sóc gia cầm và thu hoạch trứng. Ảnh: K.L

Tháng 5/2021, cả nước đã thu hoạch 6,5 triệu ha lúa, sản lượng đạt 23,7 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; diện tích rau khoảng 2 triệu ha, sản lượng đạt hơn 9,8 triệu tấn, tăng 1,2%.

Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Tạ Văn Tường, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã hướng dẫn người dân xây dựng "vùng xanh", bảo đảm hoạt động sản xuất. Cụ thể, mỗi gia đình hằng ngày chỉ để một người ra đồng làm việc; công nhân ở lại các trang trại chăn nuôi vừa làm việc, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Do đó, tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội trong 7 tháng qua đạt hơn 3%.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Nhìn chung, thời gian qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sản lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực vẫn duy trì ổn định. Đặc biệt, tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp 7 tháng năm 2021 đạt hơn 3,8%; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm; không gây biến động lớn về giá nông sản trên thị trường.

Linh hoạt để bảo đảm nguồn cung

Bộ NNPTNT nhận định, những tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản cũng như việc cung ứng nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất. Thêm nữa, thời gian tới, nhiều loại nông sản sẽ vào vụ thu hoạch, do vậy có nguy cơ dư thừa nguồn cung ở các vùng sản xuất.

Để khắc phục những vấn đề trên, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng cung vượt cầu; đồng thời linh hoạt triển khai các giải pháp tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng cho hay: Đơn vị vẫn duy trì tối đa năng lực sản xuất và đang đề xuất các cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa ra thị trường.

Thông tin về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Tạ Văn Tường cho biết: Với rau vụ đông, Hà Nội sẽ gieo trồng 12.932ha, đồng thời mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm với khoảng 500-600ha. Về chăn nuôi, duy trì đàn bò 164.000 con; đàn gia cầm 40 triệu con; tiếp tục phát triển đàn lợn lên 1,8 triệu con; đồng thời tăng diện tích sản xuất thủy sản để đạt sản lượng 120.000 tấn/năm.

Hiện Bộ NNPTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát nhu cầu thị trường, giá vật tư nông nghiệp trong nước và thế giới để phối hợp với địa phương, doanh nghiệp kịp thời triển khai các giải pháp không để tăng đột biến về giá. 

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp phải hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố; chủ động cung ứng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cần xây dựng "vùng xanh" cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các loại nông sản có sản lượng lớn và thời gian bảo quản ngắn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem