Xoá nghèo cho đồng bào Mông: Chọn mô hình điểm làm động lực

Thứ tư, ngày 07/05/2014 08:31 AM (GMT+7)
Tỉnh Thái Nguyên có 1.520 hộ dân tộc Mông, với 7.775 nhân khẩu. Những năm qua, dù đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhưng đời sống đồng bào Mông trong tỉnh vẫn chưa thể khấm khá...
Bình luận 0
Nghèo vì thiếu đất sản xuất

Nằm sát bên Quốc lộ 1B, xóm Trung Sơn (xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) có 60 hộ, trong đó có 42 hộ đồng bào Mông. Hạ tầng kinh tế được đầu tư, nguồn lực phát triển sản xuất đã được Nhà nước hỗ trợ, nhưng cả xóm vẫn còn 17 hộ người Mông thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ 40,5%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân của xã Quang Sơn năm 2013 là 9,55%.

Ông Lê Xuân Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn cho biết: “Xã có 2 xóm là Lân Đăm và Trung Sơn có đồng bào Mông sinh sống, với 54 hộ. Cả xóm Trung Sơn chỉ có 14ha đất sản xuất nông nghiệp, quỹ đất nông nghiệp gần như không có, cuộc sống rất bấp bênh”.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, ở 47 xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tình trạng thiếu đất sản xuất là phổ biến. Tính đến tháng 4.2014, cả tỉnh có 929 hộ dân tộc Mông thiếu đất sản xuất. Trong đó có 230 hộ thiếu từ 80% diện tích trở lên; 313 hộ thiếu từ 51- 80%; 133 hộ thiếu từ 21- 50%; 253 hộ thiếu dưới 20% diện tích đất sản xuất.

Sử dụng phân viên nén nhả chậm phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào Mông huyện Đồng Hỷ.
Sử dụng phân viên nén nhả chậm phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào Mông huyện Đồng Hỷ.

Đất sản xuất đã ít, nhưng ở nhiều nơi, cách thức hỗ trợ con giống, cây trồng đôi khi lại làm khó đồng bào. Ông Vũ Xuân Thái - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ cho biết: “Những năm trước, dự án khuyến nông của tỉnh hỗ trợ một số hộ đồng bào Mông trong huyện mua giống bò đực lai Sind để cải tạo đàn bò.

Chủ nuôi sẽ hưởng lợi từ việc thu tiền thụ tinh con giống. Tuy nhiên, do tập quán nuôi thả rông nên các hộ có bò không mặn mà đem vật nuôi của mình đi lai tạo giống. Số bò thụ tinh ít, chủ nuôi bò đực không thu được tiền phối giống nên đã bán bò. Dự án thế là “mất cả chì lẫn chài”, các hộ được thụ hưởng “nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Không chỉ vật nuôi mà việc hỗ trợ cây giống cũng chưa mang tới hiệu quả. Trước đây, địa phương có hỗ trợ cho bà con giống bí đỏ cùng với phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng. Cây bí đỏ sinh trưởng rất tốt, cho quả to, nhưng người dân lại không thể chuyển những quả bí vừa to, vừa nặng từ trên núi cao xuống để bán lẻ từng quả ở chợ, lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Những quả bí chín bỏ lăn lóc, bổ ra chỉ để lấy hạt…

Làm mô hình điểm

Theo thống kê, đến đầu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Mông ở Thái Nguyên vẫn chiếm 71%. Thậm chí có 3 xóm Lân Đăm, Mỏ Nước, Bản Tèn (Đồng Hỷ), còn tỷ lệ hộ nghèo tới 100%.

Trong dự thảo phương án hỗ trợ giống cây trồng của huyện Đồng Hỷ năm 2014, huyện sẽ hỗ trợ đồng bào Mông giống ngô lai với mô hình “Thâm canh cây ngô lai bằng biện pháp sử dụng phân viên nén nhả chậm”. Đây là phương án khả thi, bởi vừa đảm bảo lương thực, vừa phù hợp với địa hình canh tác trên sườn núi của đồng bào Mông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ông Đặng Viết Thuần cho rằng, để nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đời sống phát huy hiệu quả thì điều cần thiết là các sở, ngành liên quan, các địa phương phải xây dựng những mô hình điểm; lựa chọn những cá nhân tích cực để dồn vốn hỗ trợ. “Mô hình điểm không chỉ nhằm phát huy hiệu quả vốn chính sách mà quan trọng hơn là có tác dụng khuyến khích các hộ khác tích cực tham gia, từng bước đẩy lùi tính ỷ lại, trông chờ của đối tượng được thụ hưởng” - ông Thuần nói.
Lê San (Lê San)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem