Xu hướng 'xa xỉ hóa' ở Mỹ khoét sâu sự bất bình đẳng

Chủ nhật, ngày 05/03/2023 18:36 PM (GMT+7)
“Cao cấp hóa sản phẩm” đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp Mỹ để tăng giá thành và giữ biên độ lợi nhuận ở mức cao. Điều này có thể khoét sâu tình trạng bất bình đẳng.
Bình luận 0

 

Xu hướng 'xa xỉ hóa' ở Mỹ khoét sâu sự bất bình đẳng - Ảnh 1.

Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ - từ nhà sản xuất bánh donut Krispy Kreme tới công ty dầu bôi trơn WD-40 - đang cho ra lò hàng loạt sản phẩm (có vẻ) tốt hơn, với giá thành cũng đắt đỏ hơn.

Nhiều công ty đã ra mắt các sản phẩm được thiết kế riêng cho tầng lớp thu nhập cao - những người sẵn sàng và có khả năng trả nhiều tiền hơn.

Chỉ trong ba tuần qua, gần 60 cuộc họp báo cáo thu nhập hoặc hội nghị nhà đầu tư của các công ty Mỹ có đề cập đến khái niệm cao cấp hóa sản phẩm, New York Times cho biết.

Với xu hướng này, các doanh nghiệp Mỹ hy vọng có thể tận dụng tỷ lệ lạm phát cao và mức độ chi tiêu mạnh tay của người tiêu dùng Mỹ để tiếp tục tăng giá bán hàng. Tuy nhiên, xu hướng này có thể khiến người thu nhập thấp không thể mua sản phẩm mong muốn.

Tính toán của doanh nghiệp

Xu hướng cao cấp hóa sản phẩm là phản ứng của giới doanh nghiệp trước sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế tại Mỹ: Cả chỉ số lạm phát và chi tiêu tiêu dùng đều đang có xu hướng hạ nhiệt.

Để đối phó với lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã liên tục tăng lãi suất, qua đó giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và làm suy yếu nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, các công ty sẽ khó khăn hơn nếu muốn tăng giá, khiến lợi nhuận sụt giảm. Họ cần cái cớ để nâng giá thành.

“Vào năm ngoái, hầu hết công ty đều có quyền định giá”, ông Scott Chronert, một chiến lược gia của Citigroup, đánh giá. “Điều này sẽ thay đổi”.

Xu hướng này cũng phản ánh sự phân hóa trong xã hội Mỹ sau đại dịch: Trong khi 40% số lao động có thu nhập cao nhất đã tích lũy thêm hơn 1.000 tỷ USD, những người có thu nhập thấp hơn phải chi một khoản đáng kể tiền tiết kiệm để chi trả chi phí thực phẩm, thuê nhà và các mặt hàng thiết yếu khác gia tăng.

Xu hướng 'xa xỉ hóa' ở Mỹ khoét sâu sự bất bình đẳng - Ảnh 2.

Ngay cả các bình xịt chất bôi trơn cũng có thể có giá thành đắt đỏ hơn. Ảnh: AP.

“Số người sẵn sàng trả các khoản tiền từ nhỏ tới lớn cho sản phẩm cao cấp hơn vẫn nhiều”, ông David Mayer, chuyên gia về chiến lược thương hiệu, nhận định.

Phân khúc khách hàng là một hành vi không mấy xa lạ của các doanh nghiệp. Mục đích của họ là “dụ” khách hàng giàu có hơn mua các sản phẩm đắt đỏ hơn, đem lại lợi nhuận lớn hơn - như ghế hạng thương gia so với hạng phổ thông trên máy bay.

Xu thế này thể hiện rõ ràng hơn trong đại dịch, lan ra nhiều sản phẩm và dịch vụ khác. Nhiều công ty dành sự tập trung vào các khách hàng giàu có.

“Các khách hàng cấp cao, dù không ‘miễn nhiễm’ trước suy thoái kinh tế, chắc chắn vẫn tiếp tục chi tiêu”, ông Stephen Squeri, Giám đốc điều hành của American Express, nói với các nhà phân tích.

Xu hướng cao cấp hóa sản phẩm được thể hiện ở cả các công ty mang tính “bình dân” như nhà sản xuất dầu bôi trơn WD-40. Công ty nhà nhận ra khách hàng sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho các sản phẩm cải tiến - như một bình xịt “thông minh” có thể vừa xịt thẳng, vừa xịt phun sương.

“Cao cấp hóa sản phẩm tạo ra cơ hội tăng doanh thu, tăng biên độ lợi nhuận, và quan trọng nhất là khiến các khách hàng hứng thú”, ông Steve Brass, Giám đốc điều hành WD-40, nói.

Tác động lâu dài

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng thành công với mô hình mới. Chuỗi công viên chủ đề Six Flags gần đây đã lựa chọn cách tăng giá và giảm khuyến mại để “thay đổi mô hình kinh doanh một cách mạnh mẽ nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng”, theo lời Giám đốc điều hành Selim Bassoul.

Lượng khách hàng tới Six Flags đã giảm 25%. Do đó, dù số tiền mỗi khách hàng chi ra tăng 22%, lợi nhuận của công ty vẫn giảm gần 10%.

Hồi tháng 1, Walt Disney cũng thừa nhận họ có thể đã tăng giá vé vào các công viên quá cao, khiến các khách hàng trung thành giận dữ. Công ty này đã phải xem xét lại chính sách về vé (bao gồm vé năm), khách sạn và chụp ảnh.

Xu hướng 'xa xỉ hóa' ở Mỹ khoét sâu sự bất bình đẳng - Ảnh 3.

Dù số tiền mỗi khách hàng bỏ ra lớn hơn, lợi nhuận của Six Flags vẫn sụt giảm. Ảnh: AP.

Dù vậy, xu hướng cao cấp hóa sản phẩm có thể sẽ còn kéo dài, khi các công ty sẵn sàng bán ít sản phẩm hơn với mức giá cao hơn. Hiện tượng này sẽ khiến nhóm khách hàng thu nhập thấp thua thiệt.

Lấy thị trường ôtô tại Mỹ là ví dụ. Cuối năm 2017, có 36 mẫu xe tại Mỹ giá dưới 25.000 USD với tổng số xe bán ra chiếm 13% doanh số xe mới. Tới cuối năm 2022, chỉ còn 10 mẫu xe có mức giá đó, chiếm thị phần dưới 4%.

Các nhà sản xuất xe không hào hứng với các sản phẩm giá rẻ phần nào do giá vật tư tăng và tình trạng thiếu lao động. Tuy vậy, họ được cho sẽ tiếp tục chú tâm nhiều hơn vào các sản phẩm có giá thành lớn hơn.

“Việc bán ít xe đi và giữ quyền định giá là điều tốt cho họ”, ông Jonathan Smoke, chuyên gia kinh tế trưởng của Cox Automotive, nhận định. Tình trạng này sẽ tạo ra cơ hội để các đối thủ cạnh tranh nhảy vào phân khúc xe giá rẻ. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể xảy đến ở tương lai gần.

Khi số lượng xe mới sản xuất ít đi, số lượng xe cũ cũng sẽ dần giảm, khiến người nghèo càng khó khăn hơn nếu muốn mua xe. Đây cũng là tác động của xu hướng cao cấp hóa sản phẩm: Giảm sản lượng, có thể tăng lạm phát ngắn hạn và tăng giá thành về dài hạn.

Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Isabella Weber tại Đại học Massachusetts Amherst cho rằng còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận. “Đây là thời điểm rất khó hiểu”, bà nói.


 

Việt Hà (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem