Xuất khẩu cá tra tháng 5/2024 đạt 80.000 tấn, lập đỉnh 2 năm
Thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, tháng 5/2024, khối lượng xuất khẩu sản phẩm cá tra đạt hơn 83.000 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 8% so với tháng trước đó.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc & Hồng Kông tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu cá tra sang 1 số thị trường khác cũng ghi nhận tăng đáng kể như: ASEAN tăng 7%, Mexico tăng 15% và Vương quốc Anh tăng 33%. Riêng thị trường Mỹ giảm 1% về khối lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.
Thị trường Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ, với nhu cầu cao và giá cả ổn định. Điều này có thể tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 6 tháng cuối năm nay. Giá cá tra tại các cửa hàng bán lẻ của Trung Quốc rẻ hơn so với cá nước ngọt nuôi trong nước, như cá chép. Sau khi tăng 3% vào tháng 3, giá cá tra tiếp tục giảm trong 2 tháng sau đó. Nền kinh tế suy yếu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Lợi thế có giá hợp lý, chất lượng phile tốt là 1 trong những yếu tố khiến cá tra ngày càng phổ biến và có chỗ đứng tại thị trường này.
Tháng 5/2024, khối lượng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc & HK đạt hơn 29.000 tấn, đây là mức cao nhất kể từ tháng 2 năm ngoái, đồng thời là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2/2024. Mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá xuất khẩu trung bình sang thị trường này vẫn giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến tổng giá trị xuất khẩu tăng trưởng âm.
Khối lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 5/2024 đạt hơn 13.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng trước đó, trong khi giá xuất khẩu trung bình tăng 1,7% lên 2,95 USD. Sau năm 2023 ảm đạm với kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã dần sáng sủa hơn.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 6/2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt gần 14 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 15/6/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 146 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 5/2024, khối lượng xuất khẩu cá tra sang EU được đánh giá là tương đối ổn định, mặc dù giảm nhẹ xuống còn hơn 6.000 tấn. Tuy nhiên, tháng 5/2024, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường này tương đương mức của tháng 3/2024 ở mức 2,43 USD/kg, giảm 4,7% so với tháng trước đó.
Về thị trường ASEAN, theo Vasep thống kê, tháng 5/2024, khối lượng xuất khẩu trong tháng 5/2024 đạt gần 9.000 tấn, đây là mức cao nhất thị trường này nhập khẩu kể từ tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình giảm 7,5% xuống còn 1,74 USD/kg - mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021 trong khi người nuôi đang phải chịu chi phí đầu nhiều hơn.
Khối lượng cá tra của Mexico nhập khẩu trong tháng 5/2024 tiếp tục tăng lần thứ 3 liên tiếp lên hơn 2 nghìn tấn, trong khi giá vẫn không ổn định và giảm 7,4% so với tháng trước xuống 2,13 USD/kg.
Tháng 5/2024, Anh nhập khẩu gần 2.000 tấn cá tra từ Việt Nam, con số này được đánh giá là ấn tượng trong 5 năm qua, trong khi đó giá xuất khẩu vẫn giảm 7,3% xuống 2,43 USD.
Cuối cùng, thị trường Brazil trong tháng 5/2024 nhập khẩu hơn 2000 tấn cá tra, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá vẫn giảm 1,5% xuống 2,69 USD/kg.
Như vậy, khối lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 5/2024 đạt mức cao nhất trong 2 năm qua. Trong đó, thị trường Trung Quốc là động lực chính cho sự tăng trưởng này, với khối lượng nhập khẩu cao nhất kể từ tháng 2 năm ngoái. Mặc dù vậy, giá xuất khẩu cá tra vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, có xu hướng giảm ở một số thị trường, do chi phí đầu vào cho sản xuất cá tra tăng cao trong khi giá bán vẫn thấp. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, khối lượng xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cao từ các thị trường chính như Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cá tra có thể vẫn sẽ ở mức thấp, do áp lực cạnh tranh và chi phí đầu vào cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm các giải pháp để giảm chi phí sản xuất.