Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm tháng thứ tư liên tiếp

07/09/2023 16:52 GMT+7
Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu trong tháng 8 ghi nhận giảm 8,8% so với năm trước đó, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp doanh số bán hàng của đất nước tỷ dân bị sụt giảm.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi tình trạng suy thoái liên tiếp trong những tháng gần đây. Trong khi xuất khẩu giảm 8,8% trong tháng 8, thì nhập khẩu cũng ghi nhận giảm 7,3% so với một năm trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết. Kể từ mùa xuân năm 2023, tăng trưởng hầu như chững lại, giá nhà sụt giảm, làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Dữ liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây công bố phản ánh nhu cầu tiếp tục suy yếu cả ở Trung Quốc và các nước ngoài. 

Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm tháng thứ tư liên tiếp - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng có kế hoạch đầy táo bạo để chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc. (Ảnh minh hoạ: Financial Times).

Xuất khẩu suy giảm tháng thứ 4 liên tiếp

Các nhà kinh tế đều dự đoán số liệu thương mại tháng 8 của nước này sẽ tệ hơn một chút so với tháng trước. Kết quả một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy hầu hết dự báo xuất khẩu giảm 9,2% và  nhập khẩu giảm 9% so với cùng kỳ trong tháng 8. Trước đó, xuất khẩu của nước này từng ghi nhận giảm 14,5% so với cùng kỳ vào tháng 7.

Nhiều công ty đa quốc gia, đặc biệt là các nhà bán lẻ lớn ở Hoa Kỳ, đã trở nên lo lắng về sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc khi căng thẳng địa chính trị gia tăng trong những năm gần đây và khi tranh chấp thương mại quốc tế gia tăng, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các biện pháp quyết liệt "zero Covid" của Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là lệnh đóng cửa kéo dài hàng tuần ở Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và các trung tâm công nghiệp và cảng lớn khác, đã dẫn đến nhiều sự chậm trễ trong vận chuyển cũng như việc nhiều nhà quản lý người nước ngoài của các công ty đa quốc gia rời khỏi Trung Quốc.

Khi mối lo ngại về đại dịch hiện đang giảm dần, các hộ gia đình trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, đã chuyển mô hình chi tiêu của họ sang du lịch, ăn uống tại nhà hàng và các dịch vụ khác. Nhiều người đã dự trữ hàng hóa sản xuất trong thời kỳ đại dịch, thường là từ Trung Quốc, quốc gia có khu vực sản xuất lớn nhất thế giới cho đến nay.

Những xu hướng này đã được phản ánh chi tiết trong các con số báo cáo của tháng 8. Xuất khẩu máy tính, hạng mục mà Trung Quốc dẫn đầu trong nhiều năm, đã giảm 18,2% về giá trị so với tháng 8 năm 2022. Xuất khẩu dụng cụ y tế và phẫu thuật, vốn đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, đã giảm 7,1% vào tháng trước.

Tuy nhiên, xuất khẩu của một số sản phẩm khác lại bắt đầu ổn định: Doanh số bán hàng gia dụng như tủ lạnh và máy giặt ở nước ngoài giảm trong tháng 7 nhưng tăng 11,4% trong tháng 8.

Nhập khẩu nông sản (Trung Quốc chủ yếu dựa vào thực phẩm từ nước ngoài để cải thiện chế độ ăn uống của người dân) đã giảm 7,9% so với một năm trước, trong khi nhập khẩu dầu thô thực tế lại tăng 0,5 điểm phần trăm.

Tháng 7 có thể đã là thời kỳ đen tối nhất của kinh tế Trung Quốc

Số liệu thống kê xuất nhập khẩu cung cấp một trong những dấu hiệu ban đầu về tình hình kinh tế Trung Quốc mỗi tháng. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc duy trì thặng dư thương mại rất lớn hàng tháng như một cách để tạo ra hàng chục triệu việc làm, và điều đó đã trở nên đặc biệt quan trọng trong năm nay khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao.

Xuất khẩu thậm chí còn trở nên quan trọng hơn trong vài năm qua khi Trung Quốc phải đối mặt với sự suy giảm mạnh của thị trường nhà ở, sau nhiều năm đầu cơ tràn lan khiến giá căn hộ tăng gấp 10 lần hoặc hơn ở nhiều thành phố của Trung Quốc.

Dữ liệu được công bố hôm thứ Năm tuần này là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu chung đối với hàng hóa của Trung Quốc có thể đã bắt đầu chạm đáy. Louise Loo, nhà kinh tế tại Oxford Economics, một công ty tư vấn ở Singapore, cho biết: "Xuất khẩu và nhập khẩu ít tệ hơn dự đoán khiến chúng tôi tin chắc rằng tháng 7 có thể là thời điểm đen tối nhất đối với hoạt động kinh tế ở Trung Quốc".

Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc khá yếu trong năm nay nhưng chúng đang giảm so với mức suy yếu trong thời kỳ đại dịch. Đất nước này hiện vẫn là một cường quốc công nghiệp.

Một nghiên cứu gần đây của China Beige Book, một nhóm nghiên cứu kinh tế, cho biết: "Các đơn đặt hàng xuất khẩu có vẻ không khả quan đối với Mỹ hoặc châu Âu, nhưng ở châu Á và các nơi khác, chúng vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ".

Ngọc Hải
Cùng chuyên mục