Xuất khẩu ứng dụng di động “kết nối tàu xe” từ Đà Nẵng sang New York
Từ Đà Nẵng sang New York
Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng vừa cho biết, ngành công nghệ phần mềm địa phương vừa chứng kiến thành công của ứng dụng "Essential Connector” khi vượt qua hàng loạt các doanh nghiệp công nghệ, phần mềm về giao thông công cộng thế giới để được cơ quan điều hành hệ thống tàu điện ngầm (Metropolitan Transportation Authority – MTA) ở New York (Mỹ) lựa chọn làm giải pháp cho giao thông công cộng nơi đây.
Essential Connector do nhóm lập trình viên tại Công ty TNHH Axon Active Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, cùng các cộng sự tại Thụy Sĩ phối hợp thực hiện với chức năng tìm kiếm thông tin chi tiết về các chuyến đi, lịch trình, thông tin về các chuyến xe, chuyến tàu sử dụng cho di động. Ứng dụng được thiết kế để có thể được cài đặt và kết nối trực tiếp với hệ thống giao thông công cộng tại New York thông qua điện thoại di động.
Theo nhóm lập trình, Essential Connector có cơ chế hoạt động real-time (thời gian thực), ứng dụng cho phép cập nhật liên tục các thông tin về tàu điện ngầm, xe buýt… đến với người dùng, giúp người dùng có thể tìm kiếm thông tin chi tiết về các chuyến đi, lịch trình, thông tin về các chuyến xe, chuyến tàu một cách nhanh chóng và chính xác.
“Không những vậy, dựa vào lịch trình và thói quen đi lại của người dùng, ứng dụng cũng có thể đề xuất các thông tin phù hợp. Ví dụ như một chuyến tàu gặp sự cố thì ứng dụng sẽ đề xuất lịch trình, phương tiện khác thay thế để người dùng lựa chọn. Nhờ vào đó, người dùng có thể thuận lợi hơn trong việc đi lại, đặc biệt trong mùa dịch, chỉ nhờ vào một chiếc điện thoại có kết nối internet và cài đặt ứng dụng” – anh Lê Khắc Thọ - thành viên nhóm lập trình chia sẻ.
Cũng theo anh Thọ, dự án đã lên ý tưởng được một thời gian, đã trải qua nhiều khó khăn và cả thất bại trước khi được đưa vào ứng dụng thực tiễn. “Khi cơ quan điều hành hệ thống tàu điện ngầm ở New York tìm kiếm một đối tác có thể xây dựng một phần mềm về giao thông, chúng tôi đã đưa Essential Connector tham gia và đã được MTA lựa chọn sau khi vượt qua nhiều đối thủ công nghệ về giao thông công cộng ở nước ngoài” - anh Thọ cho biết thêm.
Với kết quả trên, ứng dụng đã được MTA chọn lựa để triển khai tại New York vào trung tuấn tháng 5/2020, khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành tại Mỹ. Và chỉ sau gần 1 tuần triển khai, ứng dụng đã có hơn 4.000 người tải và được các trang thông tin tại Mỹ đề cập như một ứng dụng hữu ích, hỗ trợ việc đi lại cho người dân.
Cơ hội cho ngành phần mềm
Chia sẻ thành công của nhóm lập trình, ông Đặng Ngọc Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng - cho rằng, đây không chỉ là thành công của doanh nghiệp mà còn là thành công của ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng.
“Với thành công này, doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã bước đầu chứng minh ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam không còn là ngành gia công giá rẻ mà đã có thể chủ động cạnh tranh về chất lượng với các công ty phần mềm trên thế giới khi vượt qua các đối thủ và thuyết phục được đối tác trong việc sử dụng ứng dụng cho hệ thống giao thông công chính New York” - ông Hải chia sẻ.
Được biết, trong những năm vừa qua, ngành TT&TT TP Đà Nẵng liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển. Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, tổng doanh thu toàn ngành năm 2019 đạt hơn 30.050 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 89 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, ước nộp ngân sách 125 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng cao từ 25 - 30%.
Để đạt được kết quả này, Sở TT&TT Đà Nẵng đã xây dựng và tham mưu nhiều chính sách quan trọng; triển khai ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử, đề án xây dựng thành phố thông minh; hợp tác, xúc tiến đầu tiên với nhiều tổ chức quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc,... trong suốt thời gian qua.
Đặc biệt, Đà Nẵng bám đuổi các mục tiêu chiến lược về phát triển CNTT-TT, tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, kết hợp nhiệm vụ “phát triển CNTT, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số”; thành lập Khu công nghệ cao kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp CNTT hoạt động… đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT-TT và đóng góp đáng kể vào GRDP của địa phương.
“Sự có mặt của một phần mềm “made in Danang” tại New York mở ra hi vọng cho sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm nói riêng và CNTT tại TP Đà Nẵng nói chung trong thời gian tới” - Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng chia sẻ.