Xuất siêu tăng "khủng" trong 5 năm qua
Bất chấp dịch bệnh, xuất khẩu vẫn tăng trưởng dương
Bộ Công thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn từ đầu năm 2016 cho đến nay (quý III năm 2020) đã đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ với điểm nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng cao và liên tục. Cùng với đó, công tác phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu đi liền với kiềm chế siêu đạt hiệu quả cao.
Theo đánh giá kết quả xuất nhập khẩu theo mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, tính đến thời điểm kết thúc năm 2019, về cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) đều đạt được.
Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.
Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của nước ta vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu 09 tháng đầu năm đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, nhập khẩu được kiểm soát, tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2015-2019 ở mức 11,2%/năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (13%), đạt mục tiêu Chiến lược đề ra.
Cán cân thương mại đạt thặng dư trong cả giai đoạn với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước. Chiến lược đã xác định mục tiêu giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.
Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,11 tỷ USD (năm 2017), 6,83 tỷ USD (năm 2018), 10,87 tỷ USD (năm 2019). Riêng 9 tháng đầu năm 2020, xuất siêu đạt 16,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng đầu năm 2020 chiếm tới 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng so với mức 78,9% của năm 2015; nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 2.740 USD/người, bằng 2,5 lần so với năm 2011. Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên 2000 USD theo Chiến lược đề ra đã đạt được từ năm 2017.
Nguy và cơ đan xen
Giai đoạn 2016-2020, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và có nhiều rủi ro. Chỉ đến năm 2017, kinh tế thế giới mới bắt đầu phục hồi, thương mại toàn cầu bắt đầu có những diễn biến tích cực mặc dù vẫn đối diện với nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng.
Xung đột thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ tháng 4 năm 2018 và diễn biến leo thang căng thẳng đã tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, trong đó Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao cũng chịu nhiều tác động. Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và hiện vẫn chưa được kiểm soát, đã tác động nặng nề đến kinh tế, thương mại toàn cầu.
Tình hình trong nước trong giai đoạn 2016 đến nay có những thuận lợi cơ bản: sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hội nhập quốc tế sâu rộng có tác động tạo ra sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.
Ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ (2016), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khơi dậy nguồn lực phát triển trong toàn xã hội trên tinh thần của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, với những quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng; cùng với đó là sự nỗ lực của các Bộ, ngành trong việc triển khai tích cực và đồng bộ các giải pháp và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của toàn dân và doanh nghiệp.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực. Các FTA mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường đối tác quan trọng, là cơ hội kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Các thị trường mới trong các nước đối tác thuộc Hiệp định CPTPP đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả cam kết CPTPP. Xuất khẩu sang Canada năm 2019 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2018, sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26,2%. Tính hết 9 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu sang Canada vẫn tăng 10,2% so với cùng kỳ (đạt 3,1 tỷ USD) và sang Mexico tăng 7,9% (đạt 2,34 tỷ USD).
Đối với Hiệp định EVFTA, việc triển khai tận dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực cũng có kết quả tích cực. Trong vòng hai tháng kể từ ngày 01/8 đến hết 30/9/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 20.680 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 830 triệu USD đi 28 nước EU.
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Đây đều là các mặt hàng xuất khẩu mà ta có lợi thế, thể hiện kết quả tận dụng khả quan ngay từ những ngày đầu Hiệp định được đưa vào thực thi.