Xung đột với EU sẽ khiến Mỹ “mất máu” nhiều hơn cả thương chiến Mỹ - Trung?

22/08/2019 17:08 GMT+7
Mỹ sẽ phải trả giá đắt nếu bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với EU, nhiều hơn cả những gì thương chiến Mỹ Trung đã gây ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ sẽ trả giá rất đắt nếu leo thang căng thẳng với EU

EU hiện là đối tác thương mại lớn hơn cả Trung Quốc của Mỹ

Trong khi dồn lực vào leo thang căng thẳng thương chiến Mỹ Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn liên tục có những phát ngôn đe dọa, phủ đầu EU. May mắn là mọi chuyện chưa đi quá xa, khi ông Trump quyết định lùi thời hạn quyết định áp thuế ô tô với EU sang tháng 11. 

Đã có những thời điểm căng thẳng rộ lên giữa khu vực đồng EURO và Mỹ, khi Trump áp thuế 25% với các mặt hàng thép, nhôm xuất xứ Châu Âu hồi năm ngoái. Mới đây nhất, Mỹ dọa trả đũa sau khi khoản trợ cấp hàng tỷ USD mà EU dành cho Airbus đã gây ra thiệt hại lên đến 11 tỷ USD với Boeing của Mỹ. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là một xung đột thương mại toàn diện. Và trong bối cảnh hiện tại, ít có khả năng ông Trump đưa xung đột Mỹ - EU leo thang đến mức toàn diện. Lý do đơn giản xung đột với EU sẽ khiến Mỹ tổn thương hơn nhiều xung đột với Bắc Kinh. 

Cũng giống như trong thương chiến với Trung Quốc, Trump không thể hy vọng sự thỏa hiệp từ EU. Bà Cecilia Malmstrom, giám đốc thương mại EU đã khẳng định lập trường cứng rắn khi tuyên bố EU không muốn bị đặt trong lập trường đối lập với Mỹ, nhưng họ chắc chắn sẽ đáp trả nếu Mỹ phát động một cuộc xung đột trước. “Mỗi khi Mỹ đe dọa áp đặt thêm thuế quan, Ủy ban Châu Âu (Brussels) sẽ lập tức đáp trả Nhà Trắng bằng những danh mục hàng hóa chịu thuế khác”.

Florian Hense, nhà kinh tế tại Berenberg nhận định thương mại EU - Mỹ là dòng chảy thương mại song phương lớn nhất thế giới hiện nay, và bất cứ xung đột nào ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại này cũng sẽ gây ra những thiệt hại to lớn chưa thể ước tính.

"Số liệu năm 2018 chỉ ra kim ngạch thương mại hàng hóa dịch vụ song phương Mỹ - EU đã vượt quá kim ngạch thương mại Mỹ Trung tới 70%", ông Florian nhấn mạnh. Cụ thể, theo dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu 683,9 tỷ USD hàng hóa từ EU, vượt xa con số 557,9 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Chênh lệch kim ngạch xuất khẩu còn đáng kinh ngạc hơn, khi xuất khẩu của Mỹ sang EU đạt 574,5 tỷ USD nhưng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ đạt vẻn vẹn 179,2 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Châu Âu, các mặt hàng chủ lực mà Mỹ xuất khẩu sang Châu Âu trong năm 2018 là động cơ máy bay, linh kiện máy bay, dược phẩm. Ngược lại, EU xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng chủ lực là linh kiện ô tô, thiết bị y tế...

“Như vậy, chỉ tính trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang thị trường EU đã nhiều gấp 3 lần thị trường Trung Quốc. Bất kỳ sự bất ổn thương mại nào với EU sẽ tác động mạnh trở lại Washington theo hướng tiêu cực” - ông Florian cảnh báo. 

Có lý do để chính quyền Trump cân nhắc kỹ càng trước khi áp thuế với ô tô của EU

Erik Jones, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins khẳng định xung đột Mỹ - EU leo thang toàn diện sẽ đưa các công ty đa quốc gia của Mỹ vào hố lửa. Dòng chảy thương mại khổng lồ của Mỹ và EU đang là sân chơi của hàng ngàn đại công ty đa quốc gia. Việc tăng thuế cuối cùng sẽ làm tăng áp lực giá đè nặng lên người tiêu dùng, đồng thời gián đoạn lợi nhuận doanh nghiệp, khiến kinh tế giảm tốc và lao đao.

“Đa số các công ty đa quốc gia chịu tổn thương là công ty Mỹ, vậy nên thuế quan sẽ tạo lực cản lớn hơn cho nền kinh tế Mỹ” - ông Erik nói thêm. “Nói cách khác, chiến tranh thuế quan Mỹ - EU sẽ phá hủy hoàn toàn các lợi thế cạnh tranh mà chính quyền Mỹ nỗ lực tạo ra từ sau thế chiến II, thông qua việc làm suy yếu các đại công ty, giảm quy mô thị trường và thúc đẩy thoái vốn ra nước ngoài”.

Suy thoái gõ cửa, cả Mỹ và EU không sẵn sàng cho xung đột thương mại

Thực tế chỉ ra rằng kinh tế toàn cầu dường như có khả năng bước vào một đợt suy thoái, cả Mỹ và EU giờ đây không đủ lực để chịu đựng những tổn thương mà chiến tranh thương mại mang đến. Thương chiến Mỹ Trung đang bắt đầu phủ bóng ảm đạm lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Cả hai nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, và một cuộc chiến thuế quan Mỹ - EU nổ ra trong tương lai sẽ mang đến những hậu quả đáng quan ngại” - ông Fredrik Erixon, giám đốc ECIPE đang nhắc lại mối đe dọa thuế quan với rượu vang và ô tô mà Mỹ dự kiến trả đũa EU.

Dữ liệu cập nhật cuối tháng 7 cho thấy khu vực đồng tiền chung Châu Âu chỉ chứng kiến mức tăng trưởng GDP 0,2% trong quý II, giảm mạnh so với mức tăng 0,4% hồi quý I. Ngân hàng Trung Ương Châu Âu đã sẵn sàng cho một đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm để kích thích nền kinh tế.

Mỹ cũng không khá khẩm hơn là mấy, khi Tổng thống Trump liên tục đe dọa, hối thúc Cục Dự trữ Liên bang FED cắt giảm lãi suất khoảng 1% để tạo động lực cho nền kinh tế duy trì tăng trưởng. Các nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này khiến thị trường quan ngại hơn bao giờ hết về rủi ro suy thoái ngày một kề cận. 

Mở thêm một mặt trận xung đột thương mại lúc này là hành động không khôn ngoan với cả hai nền kinh tế Mỹ và EU, nhất là trong bối cảnh ông Trump sắp dấn thân vào chiến dịch tái tranh cử Tổng thống năm 2020.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục