10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam: Những tấm gương sáng người đồng bào dân tộc thiểu số

Tuệ Lâm Thứ tư, ngày 12/10/2022 10:12 AM (GMT+7)
Thời gian qua, cùng với các chính sách, chương trình giảm nghèo của Trung ương và địa phương, phong trào nông dân, nhất là nông dân đồng bào dân tộc thiểu số thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã được triển khai sâu rộng, đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia hưởng ứng.
Bình luận 0

Trong thời buổi kinh tế thị trường phát triển, hội nhập ai cũng muốn rời khỏi làng quê nghèo ra thành phố làm ăn để mong được làm giàu, nhưng cũng tại miền quê nghèo, ở vùng sâu, vùng xa khó khăn đó vẫn có những người con bám trụ lại, đang ngày đêm miệt mài lao động để góp phần phát triển kinh tế quê hương.

Trên tất cả các lĩnh vực, vùng dân tộc và miền núi đã có nhiều chuyển biến vượt bậc. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến về nhận thức, có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến. Phong trào thi đua "Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt" đã phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu sổ tích cực tham gia.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những tấm gương sáng sản xuất kinh doanh giỏi người đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Nông dân Lầu Sy Nịp (ấp 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), người nông dân thành công với việc trồng 28ha bưởi da xanh trên đất đỏ cho thu nhập tiền tỷ mỗi vụ.

Nhờ đó, kinh tế và các hoạt động xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số có những bước phát triển mới bền vững hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân, diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được cải thiện.

Gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia công tác xã hội

Có thể thấy, nét nổi bật trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số đó là đã chuyển đổi được nhận thức, thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu từ độc canh "phát, đốt, cốt, trỉa", sản xuất "tự cung, tự cấp" sang thâm canh tăng vụ và sản xuất hàng hóa. Đồng bào tích cực phát huy thế mạnh của địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm...

Nhiều hộ gia đình đã tranh thủ các nguồn vốn vay của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, cùng với tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai vùng đồi, vùng rừng, tích cực áp dụng khoa học – kỹ thuật, đưa cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo ra giá trị cao trong sản phẩm hàng hóa. 

Với những bước chuyển biến quan trọng, phong trào đã góp phần tăng trưởng kinh tế nông thôn miền núi, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Từ phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, trở thành tấm gương sáng để bà con học tập, noi theo. Anh Lầu Sy Nịp (người dân tộc Nùng) là một điển hình như thế.

Nhắc đến bưởi da xanh, người ta thường nghĩ đến tỉnh Bến Tre nổi tiếng với giống bưởi ruột đỏ này. Thế nhưng, một ông nông dân dân tộc Nùng ở xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã thành tỷ phú nhờ trồng loại bưởi đặc sản này trên vùng đất đỏ bazan.

Chàng trai Ê Đê, anh Y Pốt Niê buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) bỏ nghề bác sĩ về quê Đắk Lắk làm cà phê, là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022

Vốn là người luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm ăn, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, anh Nịp đã mạnh dạn trồng lên đến gần 30ha bưởi da xanh, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công tại trang trại của mình.

Nhờ kinh tế phát triển bác đã mua sắm đầy đủ các tiện nghi trong gia đình, đầu tư cho con ăn học và giúp đỡ bà con lối xóm trong lúc hoạn nạn khó khăn. Nhiều năm liền, anh Lầu Sy Nịp được Hội nông dân tỉnh Bình Phước cũng như các cơ quan ban ngành tặng danh hiệu gương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.

Tuyên truyền, vận động để bà con đổi mới nếp nghĩ, cách làm

Hay như anh A Thi (người dân tộc Rơ Ngao) xã Pa Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum với đức tính cần cù, nhạy bén trong công việc, anh luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của bà con miền xuôi. Mới gần 40 tuổi nhưng nông dân A Thi đã có trong tay khối tài sản khiến nhiều người mơ ước với 24ha cây công nghiệp, nông nghiệp và ao hồ nuôi cá nước ngọt, tổng thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động và hàng trăm lao động thời vụ tại địa phương.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những tấm gương sáng sản xuất kinh doanh giỏi người đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Nông dân A Thi hiện đang trồng và kinh doanh cao su, cà phê, mì và nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích 24ha, mang lại thu nhập cho gia đình gần 2 tỷ đồng/năm.

Không chỉ là hộ nông dân sản xuất giỏi, bản thân và gia đình A Thi còn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Gia đình sống hòa thuận, đoàn kết với làng xóm, nuôi dạy con cái ngoan hiền, học giỏi.

Ngoài ra, gia đình A Thi còn gương mẫu trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Trong thời buổi "tấc đất tấc vàng", vậy mà gia đình A Thi đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất để mở rộng đường vào khu sản xuất tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho bà con cả 2 mùa mưa, nắng, nông sản cũng vận chuyển được dễ dàng, bán được giá cao hơn, mang lại thêm thu nhập cho người dân trong thôn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những tấm gương sáng sản xuất kinh doanh giỏi người đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Mô hình trồng măng tây xanh của anh Hùng Ky (xã An Hải, Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã được nhiều người biết đến và thăm quan học tập

Còn có anh nông dân Hùng Ky (dân tộc Chăm, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là người nổi tiếng trồng măng tây trên vùng đất cát khô cằn, biến đất hoang trở nên trù phú. Năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, mô hình làm giàu của gia đình anh Hùng Ky đã được đón nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước tới thăm, động viên.

Với mô hình trồng măng tây xanh hữu cơ áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên vùng đất cát, anh đã được Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh Ninh Thuận ghi nhận, biểu dương, khen thưởng và đánh giá rất cao.

Anh Hùng Ky cũng là người tiên phong của địa phương ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm thay thế cho phương pháp truyền thống tưới nước tràn. Đồng thời, hộ anh Hùng Ky cũng rất tích cực vận động người dân đóng góp vào chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Bản thân anh đã được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Tích cực vận động Nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước

Không chỉ những nam nông dân mà cả nữ nông dân Việt Nam xuất sắc cũng là những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, trở thành tấm gương sáng để bà con học tập, noi theo. Đó là nữ nông dân Mai Thị Hợp (đồng bào Tà Ôi), thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiện, nữ nông dân Mai Thị Hợp hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thổ Cẩm Xanh A Lưới Azakooh. HTX bắt đầu hình thành dưới hình thức tổ hợp tác từ năm 2012, qua nhiều năm hoạt động hiểu quả đến nay HTX hiện có hơn 100 chị em tham gia, mang lại thu nhập hơn 350 triệu mỗi năm.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những tấm gương sáng sản xuất kinh doanh giỏi người đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp tại cơ sở sản xuất vải zèng truyền thống của đồng bà Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 2016, nghề dệt zèng của người Tà Ôi được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Với việc nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của nghề dệt zèng truyền thống, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã nhiều lần được trao tặng những danh hiệu, bằng khen. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 từ TT-Huế, bà Mai Thị Hợp hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thổ Cẩm Xanh A Lưới Azakooh, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế làm nghề dệt zèng, 2 lần được Thủ tướng tặng Bằng khen.

Trong đó, bà được tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2017 do Thủ Tướng Chính phủ tặng; Bằng khen gương phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2010-2015 do Thủ Tướng tặng; danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2019 do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng…

Nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Và còn rất nhiều những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số táo bạo, "dám nghĩ dám làm" trong việc bứt phá tìm đường làm giàu hợp pháp; những tấm gương luôn tích cực hoạt động vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của làng bản, trở thành tấm gương sáng để mọi người noi theo như: Điểu Yơm (dân tộc M’Nông), Làn Mậu Thành (dân tộc Tu Dý), Giàng A Sinh, Giáng Cháng Lử, Sồng A Mang (dân tộc Mông), Triệu Thị Tá (dân tộc Dao), Hồ Thị Diên (dân tộc Cor), Chương Văn Thủy (dân tộc Sán Dìu), Vương Hùng Nam, Lý Thị Nga, Lăng Văn Kời (dân tộc Nùng), Đặng Văn Lương (dân tộc Tày), Vừ Chúng Cáy (dân tộc Mông), Bùi Văn Binh (dân tộc Mường), Đạo Thanh Thích (dân tộc Chăm), Lâm Văn Phấn (dân tộc Khmer), Hoàng Văn Chung (dân tộc Cao Lan),…

Dù bằng nhiều con đường khác nhau dẫn đến thành công, song nét chung nhất của các gương điển hình "Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt" trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, chịu khó, biết tận dụng thời cơ kinh doanh dịch vụ, thế mạnh vườn đồi, vườn rừng để sản xuất, làm ăn có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu của đồng bào.

Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua "Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt" đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, bà con phấn khởi, hăng hái tham gia lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; góp phần củng cố an ninh trật tự, an toàn xã hội.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem