2 "đòn bẩy" chính sách quan trọng gỡ khó cho thị trường bất động sản

02/11/2021 17:41 GMT+7
Xây dựng chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia 2030 và gói tín dụng 65.000 tỷ đồng đang là 2 vấn đề chính sách lớn được Bộ Xây dựng thực hiện và đề xuất nhằm tháo gỡ những vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

Xây dựng chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia 2030

Khoảng giữa tháng 10/2021, Bộ Xây dựng đã tổ chức "Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040".

2 "đòn bẩy" chính sách quan trọng gỡ khó cho thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội thảo về Xây dựng chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia 2030 tổ chức ngày 14/10 vừa qua. Ảnh: Bộ Xây dựng

Theo Bộ Xây dựng, chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040 đặt ra nhiều mục tiêu cơ bản.

Thứ nhất, phấn đấu phát triển và cải tạo sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 đạt 1,032 tỷ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà. Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người.

Thứ hai, tăng tỷ trọng cơ cấu nhà cho thuê, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá cả hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Thứ ba, xây dựng và kết cấu lại các chính sách cụ thể riêng cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội bao gồm công nhân, người thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.

Thứ tư, hoàn thiện, sửa đổi quy định về việc quản lý, phát triển nhà ở theo quy hoạch, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà.

Thứ năm, đặt ra hệ thống mục tiêu cụ thể có kèm theo các chỉ tiêu về phát triển nhà trong giai đoạn 2021-2030 trong đó một nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nhà ở cho công nhân.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc xây dựng chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là định hướng quan trọng để nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách về nhà ở trong thời gian tới, đồng thời căn cứ để các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 và định hướng đến năm 2040.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đánh giá cao sự công phu, khoa học trong việc xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, đây cũng là căn cứ quan trọng đề xuất sửa đổi Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Tại Tại hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19" vừa diễn ra, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, từ năm 2020, thị trường bất động sản đã chịu nhiều ảnh hưởng, tác động từ đại dịch Covid-19.

Để ổn định thị trường, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị và các công cụ điều tiết như tín dụng, thuế, quy hoạch... Do vậy, thị trường tuy có suy giảm nhưng không rơi vào trạng thái "trầm lắng", "đóng băng" toàn diện mà chỉ giảm phát so với các năm trước, ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê.

2 "đòn bẩy" chính sách quan trọng gỡ khó cho thị trường bất động sản - Ảnh 2.

Một chung cư nhà ở xã hội trên địa quận Long Biên (Hà Nội) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Minh Khôi

Cũng theo ông Hưng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng bất động sản như: Nghị định 06 về quản lý chất lượng; Nghị định 09 quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định 49/2021 ngày 1/4 tháo gỡ khó khăn, đơn giản thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội; Nghị định 69/2021 ngày 15/7 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...

Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đưa vào chương trình để thông qua trong năm 2023 (sớm hơn một năm so với kế hoạch).

Đặc biệt, vừa qua Bộ Xây dựng đã đề xuất đưa gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội 65.000 tỷ đồng vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025: Gồm 14.000 tỷ đồng cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định và 1.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất để các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng là các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng vay ưu đãi như công nhân người lao động trong các khu công nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đánh giá về gói tín dụng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) bày tỏ rất vui mừng khi Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cấp 2 gói tín dụng có tổng giá trị 65.000 tỷ đồng.

"Tôi cũng như nhiều người lao động đang nóng lòng chờ động thái của Chính phủ sẽ chấp thuận kiến nghị của Bộ Xây dựng. Cứ nhìn hiệu quả của gói 30.000 tỷ đồng triển khai từ 2013 - 2016 với 30% cho chủ đầu tư, 70% là cho người mua nhà vay, lãi suất phổ biến là 5%/năm đã tạo ra sức mạnh lan tỏa rất lớn đến nền kinh tế. Hàng nghìn gia đình đã có chỗ ở ổn định, lại giải quyết được lượng lớn tồn kho bất động sản, giảm nợ xấu, tạo đà phục hồi mạnh cho thị trường bất động sản – thị trường đầu tàu liên quan đến nhiều ngành kinh tế", ông Châu nói.

Minh Khôi
Cùng chuyên mục