200 triệu tấn chất thải hữu cơ: Đem làm phân bón, biến "mỏ vàng"

Minh Huệ Thứ năm, ngày 29/08/2019 12:45 PM (GMT+7)
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), hiện công tác quản lý nhà nước về phân bón đã được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Trong đó, chính sách nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ (PBHC) đã được cụ thể hóa tại Điều 4 Luật Trồng trọt năm 2018.
Bình luận 0

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng PBHC, với sự tham gia của 500 đại biểu, đông đảo nhất là các doanh nghiệp ngành phân bón.

Sản lượng tăng nhanh

img

Nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) sản xuất phân bón hữu cơ từ mùn cưa. Ảnh: I.T

Năm 2018, nước ta đã có 24 DN tham gia xuất khẩu PBHC, với tổng sản lượng hơn 86.000 tấn, tuy nhiên các DN cũng phải nhập khẩu tới 216.000 tấn từ 32 nước, chủ yếu là 3 loại PBHC, PBHC sinh học, PBHC khoáng.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến tháng 6/2019, số lượng PBHC đã được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng 3,5 lần so với thời điểm tháng 12/2017. Số lượng PBHC tăng lên trong thời gian qua chủ yếu thuộc loại không phải khảo nghiệm. So với tổng số lượng phân bón được công nhận lưu hành ở Việt Nam, số lượng PBHC hiện nay đã chiếm 11,6%, trong khi cuối năm 2017 mới chỉ đạt 5%.

Cả nước hiện có 265 nhà máy sản xuất PBHC, chiếm 31,6% trong tổng số 838 nhà máy sản xuất phân bón (năm 2017 có 180 nhà máy). Riêng 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng PBHC đạt 1,2 triệu tấn, cao hơn 200.000 tấn so với tổng sản lượng cả năm 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NNPTNT và Chính phủ tại hội nghị phát triển PBHC tháng 3/2018, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn hợp tác với nhiều địa phương, đối tác và bà con nông dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ và PBHC, như: Tập đoàn Quế Lâm, Sông Gianh, Công ty cổ phần T&T 159, Tập đoàn Lộc Trời… Nhiều nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất và sản lượng PBHC đã tăng lên rõ rệt.

Đặc biệt, các DN còn hỗ trợ giống, kỹ thuật, men vi sinh và thu mua lại sản phẩm cho nông dân. Mặc dù mới thực hiện trong hơn 1 năm qua, nhưng đã có hàng trăm hộ tham gia sản xuất PBHC tại nông hộ, với tổng sản lượng ước đạt hàng trăm ngàn tấn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là sự nỗ lực, chuyển biến rất lớn trong tư duy, nhận thức và xu hướng sản xuất trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Mục tiêu sản xuất, tiêu thụ PBHC quy mô nông hộ đạt trên 1 triệu tấn vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

Tuy đạt được kết quả vô cùng tích cực trong thời gian ngắn, song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, số lượng và sản phẩm PBHC vẫn còn khiêm tốn so với phân bón vô cơ (11,6% so với 86,9%). Cả nước đã có khoảng 50.000ha đất trồng trọt ứng dụng sản xuất hữu cơ, PBHC, nhưng đây vẫn là con số rất nhỏ bé so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phân bón, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, thiếu cụ thể hóa các văn bản sau luật, nghị định, thiếu thông tư, quy chuẩn, quy trình quản lý gắn với hội nhập.

“DN tham gia thì nhiều nhưng công suất, công nghệ ở nhiều nơi chưa hiện đại, khiến giá thành sản phẩm cao, chưa có sản phẩm chuyên sâu phù hợp với từng loại nông sản đáp ứng cho phát triển ngành hàng. Các phế, phụ phẩm còn sử dụng lãng phí, chưa tận dụng hiệu quả cho sản xuất phân bón” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.

Sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn

Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chia sẻ: Cách đây khoảng 10 năm, có rất ít người quan tâm đến PBHC, nhưng điều đáng mừng là số lượng PBHC trong hơn 1 năm qua đã tăng lên nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ. Tuy nhiên, phải sớm xây dựng và ban hành TCVN, QCVN để PBHC có “chỗ dựa”, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn và đi vào cuộc sống.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Nhơn (Bình Phước) cho biết, từ năm 2017, công ty đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh các sản phẩm PBHC với việc xây dựng nhà máy lớn tại Bình Phước. Nhờ sử dụng công nghệ lên men siêu tốc của Hà Lan, nguồn phân gà tại các trang trại của công ty đã biến thành phân bón có hàm lượng hữu cơ cao, được nông dân dùng phổ biến cho cây thanh long, hồ tiêu, cao su, cà phê…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Tiềm năng, lợi thế của sản xuất PBHC của Việt Nam là rất lớn. Hữu cơ sẽ là hướng đi tất yếu, sống còn của ngành nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng chứ không phải là xu thế nữa, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững 3 trụ cột: Kinh tế, đảm bảo an sinh - xã hội và bảo vệ môi trường”.

Theo Bộ trưởng, mỗi năm nước ta có khoảng 200 triệu tấn chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt…  Đây chính là “mỏ vàng”, mà nếu DN mạnh tay đầu tư khai thác sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sạch.

“Sau hội nghị này, yêu cầu Cục BVTV hoàn thiện ngay các văn bản gắn với Luật Trồng trọt, phối hợp với các ban ngành, doanh nghiệp, tỉnh xây dựng mô hình thuyết phục, làm nền tảng thúc đẩy PBHC, hình thành nhanh một nền sản xuất nông nghiệp chất lượng và giá trị cao” - ông Cường yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem