23.700 người thiệt mạng trong trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, các nỗ lực cứu hộ tiếp tục triển khai

Lê Phương (Aljazeera) Thứ bảy, ngày 11/02/2023 09:09 AM (GMT+7)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết các nỗ lực cứu hộ động đất 'không khẩn trương như chúng tôi mong đợi'.
Bình luận 0
23.700 người thiệt mạng trong trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, các nỗ lực cứu hộ tiếp tục triển khai - Ảnh 1.

Trận động đất khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và nhiều tòa nhà đổ sập. Ảnh: Getty

Theo các quan chức, hơn 23.700 người được xác nhận đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria do trận động đất vào sáng 6/2.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thừa nhận trong chuyến thăm tỉnh Adiyaman hôm 10/2 rằng phản ứng của chính phủ lẽ ra có thể tốt hơn. "Thực tế là các nỗ lực tìm kiếm không nhanh như chúng tôi mong muốn", ông nói.

Phóng viên Resul Serdar của Al Jazeera cho biết các đội cứu hộ trở nên "căng thẳng hơn" vì hy vọng tìm thấy những người sống sót ngày càng mờ nhạt sau mỗi giờ trôi qua.

"Lực lượng cứu hộ đang đào sâu vào đống đổ nát và hy vọng tìm thấy những người còn sống. Đã hơn 96 giờ trôi qua và hy vọng đang mờ dần", ông nói khi đứng trước một dãy nhà bị sập ở Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần tâm chấn của trận động đất mạnh 7,8 độ richter đầu tiên.

"Các gia đình đều đang chờ đợi", ông nói thêm. "Mức độ tàn phá nằm ngoài sức tưởng tượng."

Phóng viên Stefanie Dekker của Al Jazeera, đưa tin từ thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúng tôi đang nói chuyện với một phụ nữ. Cô ấy nói: 'Tôi có bốn người anh trai, mẹ tôi, anh em họ của tôi và tất cả các cháu gái và cháu trai của cô ấy... Tất cả đều ra đi ngay lập tức khi tòa nhà đổ sập'".

Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chỉ trích phản ứng của chính phủ.

Ông Kilicdaroglu cho biết trong một tuyên bố: "Trận động đất thật kinh hoàng, nhưng điều quan trọng là những biện pháp cứu hộ sau đó rất thiếu phối hợp, thiếu kế hoạch và vô cùng kém cỏi".

Hậu quả từ trận động đất có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tái đắc cử của ông Erdogan, với cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 14/5. Cuộc bầu cử cũng có thể bị hoãn lại do thảm họa.

'Chúng tôi không thể đối phó'

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số ca tử vong ở nước này đã tăng lên 20.213 hôm 10/2. Tại Syria, hơn 3.500 người đã thiệt mạng. Nhiều người khác vẫn còn dưới đống đổ nát.

Tại Syria, chính phủ hôm 10/2 đã phê duyệt việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo, một động thái có thể đẩy nhanh việc giúp đỡ hàng triệu người đang tuyệt vọng.

Chương trình Lương thực Thế giới trước đó cho biết họ đang cạn kiệt nguồn dự trữ ở tây bắc Syria do phe nổi dậy kiểm soát làm phức tạp các nỗ lực cứu trợ.

Tiến sĩ Mohamed Alabash, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Trung tâm Idlib ở tây bắc Syria, đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp. Ông nói với Al Jazeera: "Chúng tôi phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men và dụng cụ. Bệnh viện chật kín bệnh nhân, cả phòng chăm sóc đặc biệt cũng vậy".

"Chúng tôi không thể chăm lo cho số lượng bệnh nhân khổng lồ này. Vết thương của các bệnh nhân rất nặng, và chúng tôi cần hỗ trợ thêm", ông nhấn mạnh.

Bác sĩ cho biết các nhân viên y tế tại cơ sở này phải chịu áp lực rất lớn, làm việc suốt ngày đêm.

"Tất cả nhân viên y tế đang làm việc trong 24 giờ và chúng tôi đã dùng tất cả các nguyên vật liệu mà chúng tôi có, từ thuốc men đến ICU", Alabrash nói và cho biết thêm rằng các máy phát điện của bệnh viện đã gần hết nhiên liệu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem