3 lý do lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng trong năm 2022
Biểu lãi suất có hiệu lực từ 1/12 của Eximbank cho thấy, nhà băng này vừa tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng thêm khoảng 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của Eximbank đứng ở mức 3,3%/năm, 3 tháng lên 3,6%/năm, 6 tháng lên 5%/năm, 9 tháng lên 5,4%/năm, 12 tháng lên 5,7%/năm.
Tương tự, biểu lãi suất tiết kiệm thường tại quầy lĩnh lãi cuối kỳ của OCB hiệu lực từ 9/12 cũng có sự điều chỉnh tăng tại một số kỳ hạn so với đầu tháng trước. Phạm vi lãi suất do đó dao động từ 3,55%/năm - 6,15%/năm dành cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Theo biểu lãi suất có hiệu lực từ 8/12 của GPBank, gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất tăng từ 5,7%/năm lên 6,5%/năm; 9 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,6%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng đều tăng thêm 0,8 điểm % trong vòng 1 tháng qua.
Theo biểu lãi suất huy động VND vừa được ngân hàng SCB công bố, một loạt kỳ hạn gửi tiền được áp dụng mức lãi suất xấp xỉ và trên ngưỡng 7%/năm. Ở sản phẩm tiết kiệm online, SCB hiện đang áp dụng lãi suất tăng dần từ 7,05% lên 7,15%/năm cho 5 kỳ hạn huy động từ 13 tháng đến dài nhất là 36 tháng.
Nhận định về xu hướng lãi suất, trong báo cáo về chiến lược đầu tư năm 2022 vừa phát hành, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, tính đến 01/11/2021, lãi suất tiết kiệm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng không đổi so với cuối năm 2020, trong khi đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 10 điểm phần trăm (đạt 5,53%/năm) so với cuối năm 2020. Lãi suất liên ngân hàng đã phục hồi trở lại, dù vậy vẫn ghi nhận thấp so với giai đoạn trước dịch bệnh.
Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng (VND) bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước hiện phổ biến trong khoảng 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Riêng với các kỳ hạn huy động trên 12 tháng, lãi suất đạt mức cao nhất trong khoảng 5,5-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,8% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại với 3 nguyên nhân đó là, nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022 và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Theo đó, lãi suất tiết kiệm với các khoản tiền gửi sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022.
"Chúng tôi dự đoán lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh", VNDirect đánh giá.
Liên quan đến lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng "gói cấp bù lãi suất" 3.000 tỷ, tức các ngân hàng sẽ cho vay khoảng 100.000 tỷ với lãi suất 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng có dự định nâng qui mô gói lên 10.000-20.000 tỷ, tập trung hỗ trợ các khách hàng như: Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Các doanh nghiệp tham gia vào những dự án quốc gia, và các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không, vận tải… Dựa trên các chính sách hỗ trợ này, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất cho vay trung bình sẽ giảm 10-30 điểm cơ bản trong năm 2021.
Từ góc nhìn của nhà điều hành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng huy động tiền của nền kinh tế để cho vay nền kinh tế, cho nên mặt bằng lãi suất cũng chỉ có thể giảm đến mức còn đủ sức hấp dẫn để thu hút được tiền vào hệ thống ngân hàng để cho vay nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần cân bằng việc điều hành lãi suất trong tương quan với lạm phát và mức độ lợi ích của người gửi tiền, chất lượng tài sản của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ông Hà khẳng định thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.