3 tháng đầu năm, tiền chảy vào bất động sản và chứng khoán lớn cỡ nào?

14/04/2021 12:55 GMT+7
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết quý I/2021, dư nợ đầu tư vào chứng khoán khoảng 45.300 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng vào bất động sản khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%, cao hơn mức tăng tín dụng bình quân các ngành kinh tế.

Tại Hội nghị Trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng sáng nay (14/4), ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát, theo dõi sát sao.

Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng năm 2021, tín dụng tăng khoảng 12%, ưu tiên tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, và hạn chế các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Bao nhiêu tiền đã chảy vào bất động sản và chứng khoán? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng sáng nay (14/4)

Kết quả, đến cuối quý I/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 2,93% đã góp phần vào việc tăng trưởng GDP tăng 4,48%.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 1/2021 đạt 0,76%, sang tháng 2 giảm nhẹ xuống 0,66% do dịch Covid-19 bùng phát, và đến tháng 3 cầu tín dụng đã tăng trở lại lên 2,93%, cao hơn so với cùng kỳ (chỉ 1,3%).

Tín dụng chủ yếu tập trung vào vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn tăng trưởng tín dụng nông lâm thuỷ sản đạt 2,42%; công nghiệp 3,04%;...

Tín dụng BOT, BT giao thông khoảng trên 108.000 tỷ đồng, giảm 0,15%; tín dụng phục vụ đời sống đạt gần 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%

Đối với các lĩnh vực chứng khoán, theo ông Tuấn Anh, tín dụng lĩnh vực chứng khoán tháng 11, 12 năm 2020 tăng trưởng khá nóng, sang tháng 1/2021 đã giảm 10%, tuy nhiên từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại.

Cụ thể, tính đến cuối quý I/2021, tín dụng chảy vào chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020.

Đối với lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng vào bất động sản khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%, cao hơn mức tăng tín dụng bình quân các ngành kinh tế.

Bao nhiêu tiền đã chảy vào bất động sản và chứng khoán? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Trước đó, theo thông tin từ NHNN tính đến ngày 28/2/2021, tín dụng kinh doanh chứng khoán là 42.590 tỷ đồng, giảm 6,98% so với cuối năm 2020, tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%); tín dụng phục vụ đời sống là 1.848.015 tỷ đồng, tăng 0,14%.

"Sự sôi động của thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán trong nước thời gian qua có thể tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng", ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Kết quả tín dụng giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, bám sát vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội đề ra, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và căn cứ mức tăng trưởng tín dụng năm trước, NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý; tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016-2019 có xu hướng giảm dần, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần và cao hơn giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, tín dụng vẫn có mức tăng trưởng khá tốt ở mức 12,17%, đóng góp vào mức tăng chung 2,91% của GDP - là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tăng trưởng tín dụng bình quân của cả giai đoạn 2016-2020 đạt 15,25%.

H.Anh
Cùng chuyên mục