4 lần chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nợ thuế lên ngưỡng 43.000 tỷ

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 22/10/2019 15:19 PM (GMT+7)
Trước khi số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi tiệm cận ngưỡng 43.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trải qua 4 lần trả lời các chất vấn hoặc nhận được ý kiến tranh luận từ phía các ĐBQH nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành tài chính do tình trạng nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình.

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, sáng 22/10, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Trong số nợ đọng thuế nêu trên, theo thống kê, đánh giá của cơ quan quản lý thuế, là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ, không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước”.

4 lần ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Trước khi Nghị quyết nêu trên được đưa vào chương trình thảo luận kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, bản thân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trải qua 3 kỳ họp liên tiếp của Quốc hội khóa XIV, phải trả lời các câu hỏi chất vấn hoặc ý kiến tranh luận từ phía các ĐBQH, nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu ngành tài chính và giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước. 

“Có 1.227 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền nợ thuế là 362 tỷ đồng; có 23.651 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp với số tiền nợ thuế là 2.230 tỷ đồng; có 264 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ thuế là 772 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Nếu tính thêm câu hỏi được một vị ĐBQH khoá XIII đặt ra ở thời điểm tháng 11/2015 về khả năng thu hồi 34.000 tỷ đồng trên tổng số 67.000 tỷ đồng nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trải qua 4 lần trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề nợ thuế.

Lần gần nhất là kỳ họp thứ 6, khi ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) nêu lại vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến cuối tháng 9/2018, nợ đọng thuế là 82.961 tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% trên tổng số nợ đọng thuế, tương đương 35.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm ngày 31/12/2017.

“Nguyên nhân nợ thuế chủ yếu do số nợ đọng không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể phá sản và không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và tiền phạt, tiền chậm nộp tính 0,03%/ 1 ngày”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

So sánh ở thời điểm tháng 9/2019 với số liệu được nêu ra sáng 22/10, dễ dàng nhận thấy sự gia tăng cả về số tuyệt đối cũng như tỷ trọng của khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi.

Nhìn nhận một cách tổng quan, qua nhiều lần trả lời chất vấn của các ĐBQH về nợ đọng thuế và nợ thuế không có khả năng thu hồi, giải pháp được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu ra đều khá tương đồng. Như ra chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ để giảm nợ đọng thuế. Hay giao chỉ tiêu thu nợ cho từng chi cục thuế, đến từng bộ phận, phân công từng cán bộ, công chức thu nợ và áp dụng kiên quyết các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định, công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ trên phương tiện thông tin đại chúng.

Mới đây, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giao nhiệm vụ giảm nợ đọng 3 tháng cuối năm 2019. Trong đó nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu Cục Thuế trong việc đảm bảo giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trên địa bàn xuống dưới mức 5% so với số thực thu vào ngân sách nhà nước năm 2019.

Trong đó, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu số giảm nợ tối thiểu phải đạt được trong 3 tháng cuối năm 2019 và tổng số tiền thuế nợ phải đạt được tại thời điểm ngày 31/12/2019 cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thộc trung ương. Cu thể, số giảm nợ của Hà Nội tối thiểu đạt 3.700 tỷ đồng, TP.HCM là 4.375 tỷ đồng.

Đối tượng nào được xóa nợ thuế, khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp?

Về đối tượng xử lý nợ thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế nợ, quy định pháp luật hiện hành và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Chính phủ trình Quốc hội đối tượng xử lý nợ là người nộp thuế có tiền nợ thuế (bao gồm cả tiền phạt, tiền chậm nộp) phát sinh trước ngày 1/7/2020 nhưng không có khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm 7 nhóm đối tượng.

img

Kiểm tra, hỗ trợ người nộp thuế kê khai tại Cục Thuế Hải Dương. (Ảnh minh hoạ)

Thứ nhất, người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai, người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.

Thứ ba, người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Thứ tư, người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Thứ năm, người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề.

Thứ sáu, người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ.

Thứ bảy, người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.

Về thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem