40 năm gánh nỗi oan giết vợ (bài cuối): Ông Sường đã có thể mỉm cười nơi chín suối

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 09/04/2021 08:10 AM (GMT+7)
4 năm sau ngày ông Mưu Quý Sường qua đời, Công an tỉnh Bắc Giang mới tổ chức buổi công khai xin lỗi do đã khởi tố, bắt giam oan ông Sường. Một sự muộn màng, nhưng ít ra nó cũng khiến ông Sường thanh thản ở bên kia thế giới…
Bình luận 0

Cả làng đến nghe xin lỗi, thiếu mỗi một người

Ngày 29/1/2018, người dân làng Gốc Vối kéo đến chật kín Hội trường UBND xã Trù Hựu (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) để dự buổi xin lỗi công khai ông Mưu Quý Sường. Hơn 200 ghế trong hội trường kín chỗ, nhiều người phải đứng bên ngoài. Chỉ vắng đúng một người: ông Mưu Quý Sường.

"Lúc ấy, tôi đang chuẩn bị làm sang cát cho ông Sường. Buổi lễ xin lỗi diễn ra 3 ngày trước khi làm sang cát, coi như tôi và các con có cái để báo lễ với ông ấy" - bà Vi Thị Cú, người vợ sau của ông Sường, kể.

40 năm gánh nỗi oan giết vợ (bài cuối): Ông Sường đã có thể mỉm cười nơi chín suối - Ảnh 1.

Chiều 29/1/2018, tại trụ sở UBND xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức xin lỗi công khai ông Mưu Quý Sường. Ảnh: T.P

Ngay sau buổi xin lỗi, bà Cú cùng các con đem văn bản đóng dấu đỏ của cơ quan chức năng đặt lên bàn thờ ông Mưu Quý Sường, thắp nén nhang và cẩn báo với ông rằng từ nay, ông - hương hồn ông không còn mang tiếng oan ức là "kẻ giết vợ".

Bên trong hội trường, di ảnh ông Sường được gia đình mang đến trụ sở UBND xã như để ông được chứng kiến việc cơ quan chức năng xin lỗi mình. 

Gia đình ông Sường ngồi ở hàng ghế đầu bên phải. Ngồi dãy ghế phía bên trái là đại diện Công an tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn, xã Trù Hựu…

Anh Mưu Văn Thắng (con trai ông Sường) cũng kịp từ Trung Quốc về Việt Nam dự buổi xin lỗi công khai. Khi mẹ đẻ chết, bố bị bắt, anh Thắng mới 7 tháng tuổi, chị gái Mưu Thầu 12 tuổi. Cả hai chị em sau đó được người thân đưa sang Trung Quốc nuôi dưỡng.

"Lúc bố mất, hai con Thắng và Thầu không về Việt Nam được vì đường sá xa xôi. Các con chỉ gọi điện về thăm hỏi gia đình, các em. Qua cuộc điện thoại, hai đứa khóc rất nhiều và bảo thương bố, không thể về chịu tang bố được…" - bà Vi Thị Cú, người mẹ kế của chị em Thầu -Thắng, cho hay.

Trải qua bao cơ cực, cay đắng khi lưu lạc ở xứ người, đến nay, ở tuổi 42, anh Thắng vẫn chưa lập gia đình và chưa có công việc ổn định. 

Nhờ sự giúp đỡ của mẹ kế, anh Thắng mới có tiền đi tàu xe về Việt Nam. Còn chị gái Mưu Thầu hiện đã có gia đình nhưng vì ở xa cũng không về dự buổi công khai xin lỗi bố mình được.

Ôm di ảnh bố trước ngực, anh Thắng ngồi im, kiệm lời, mắt lúc nào cũng đỏ hoe, chốc chốc anh quay sang nhìn người thân, bà con rồi bật khóc. Ánh mắt của người đàn ông phải chịu mang tiếng là có "cha giết mẹ" mấy chục năm nay khiến ai ai cũng xót thương.

Hương hồn được minh oan, gia đình được "sống"

Tại buổi xin lỗi, Đại tá Dương Ngọc Sáu - Phó Giám đốc Công an tỉnh, đại diện Công an tỉnh Bắc Giang đã gửi lời xin lỗi đến ông Mưu Quý Sường và gia đình. Vì ông Mưu Quý Sường đã mất năm 2014, nên cơ quan tố tụng xin lỗi người đại diện hợp pháp của ông là ông Mưu Văn Lợi cùng toàn thể thân nhân của ông Mưu Quý Sường.

Đại tá Sáu cho biết, trước đó các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang và các cơ quan tố tụng cấp trung ương đã nhận được đơn của anh Mưu Văn Lợi (con của ông Sường và bà Cú) kêu oan cho cha ruột của mình là ông Mưu Quý Sường bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. 

Sau đó, lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang thẩm tra, xác minh để giải quyết theo đúng quy định. Và sau đó có được kết quả, minh oan cho ông Sường và gia đình.

Nhiều người dân đến với buổi công khai xin lỗi cho biết, cách buổi xin lỗi khoảng một tháng, họ nghe tin ông Sường được minh oan nhưng ít ai tin vì vụ việc xảy ra đã quá lâu và ông Sường cũng không còn sống. Đến khi buổi lễ công khai được tổ chức, mọi người mới tin đó là sự thật. 

"Buổi công khai xin lỗi hôm đó có rất đông người dân đến tham dự, tôi và mọi người đều chăm chú theo dõi. Tôi để ý thấy người con cả của ông Sường hầu như không nói gì, chỉ ôm di ảnh của bố khóc. Chỉ tiếc là buổi công khai xin lỗi đó đến muộn quá, nếu như ông Sường còn sống thì gia đình họ sẽ vui hơn" - bà Hòa, người dân thôn Gốc Vối, chia sẻ.

Bà Vi Thị Cú xúc động và vui mừng vì nỗi oan khuất của chồng đã được hóa giải sau buổi công khai xin lỗi. Từ nay, gia đình bà không còn phải sống trong nỗi dằn vặt và nghi ngại của người xung quanh. Không còn phải sợ cảnh đến chỗ đông người, người dân, hàng xóm nhìn bằng ánh mắt xa lánh, hay buông lời: "Chồng nó giết vợ đấy"!

Đặc biệt, trong buổi xin lỗi ông Sường và gia đình hôm đó còn có ông Trần Văn Thêm - người tử tù oan suốt 43 năm vì tội giết người tại Bắc Ninh. Năm 2019, người đàn ông mang án oan này được minh oan và được bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng.

Ông Thêm cũng giống như ông Sường đều mang án oan, nhưng ông Thêm may mắn hơn là vẫn còn sống để dự buổi công khai xin lỗi và nhận được lời xin lỗi từ cơ quan chức năng, được nhận tiền bồi thường. Còn ông Sường mất trước khi được giải oan nên ai cũng thương xót.

"Tôi mừng cho gia đình bà Cú vì sau nhiều năm sống trong tủi nhục thì đến ngày hôm nay, cả gia đình bà đã có thể ngẩng cao đầu mà sống. Quá trình gia đình bà Cú đến gặp tôi, tôi đã hướng dẫn cho bà Cú phải đi kêu oan những đâu, gặp những ai, gặp luật sư nào… Và cuối cùng niềm tin của tôi về vụ án oan đối với trường hợp của ông Sường cũng được hóa giải, thành hiện thực" - ông Thêm chia sẻ khi tham dự buổi công khai xin lỗi.

Ngay sau buổi xin lỗi, bà Cú cùng các con đem văn bản đóng dấu đỏ của cơ quan chức năng đặt lên bàn thờ ông Mưu Quý Sường, thắp nén nhang và cẩn báo với ông rằng từ nay, ông - hương hồn ông không còn mang tiếng oan ức là "kẻ giết vợ". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem