40 năm mang án oan giết vợ (bài 2): Lời trăn trối oan ức của người đã khuất

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 08/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Tin tưởng chồng, bà Vi Thị Cú động viên ông Mưu Quý Sường đi kêu oan, nhưng ngay từ đầu ông bà như bị “dội gáo nước lạnh” khi người ta bảo vụ việc của ông Sường đã hết thời hiệu.
Bình luận 0

Án thật chồng tội oan

Năm 1988, ông Mưu Quý Sường ra tù, về quê nên nghĩa vợ chồng với bà Vi Thị Cú (người vợ thứ 2 - PV). Một năm sau, người con trai chung của hai ông bà tên Mưu Quý Lợi ra đời. 

Cuộc sống khó khăn, bà Cú buộc phải để 4 người con với người chồng cũ sang Anh sinh sống cùng người thân. Ông Sường cũng không đủ điều kiện để đón 2 người con đang ở Trung Quốc về. Thi thoảng, ông Sường sang thăm con để "cha con còn nhớ mặt nhau".

Trước khi bị bắt oan, ông Mưu Quý Sường có gần 10 năm phục vụ trong quân ngũ, chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Phục viên, ông là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nội Thành (nay là xã Trù Hựu). 

Đang yên lành, Công an huyện Lục Ngạn (Ty Công an tỉnh Hà Bắc) khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Sường về tội "Giết người". Ông Sường mất hết, hai con nhỏ sang Trung Quốc, nhà cửa bỏ không, đến đám tang vợ cũng không được dự.

40 năm mang án oan giết vợ (bài 2): Lời trăn trối oan ức của người đã khuất - Ảnh 1.

Ngày 29/1/2018, sau nhiều năm chờ đợi, gia đình ông Sường đã được Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai tại trụ sở UBND xã Trù Hựu. Ảnh: N.Đ

"Chúng tôi rau cháo qua ngày, lúc nào ông Sường cũng dặn tôi phải cố gắng kêu oan, để không mang tiếng với người đời" - bà Cú nói với chúng tôi, mặt chưa hết đăm chiêu khi nhớ lại cảnh người làng kỳ thị gia đình bà.

Chưa hết, trong thời gian bị giam giữ ở Trại Kế (Bắc Giang), năm 1984, buồng giam F3 do ông Sường làm Trưởng buồng xảy ra vụ án đánh người gây thương tích.

Ông Sường chịu trách nhiệm, bị xử phạt 4 năm tù giam. Việc này, là "án thật" không oan như chính lời ông Sường viết trong văn bản gửi các cơ quan chức năng.

"Riêng về việc Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xử tôi chịu mức án là 4 năm tù giam, tôi hoàn toàn chấp nhận, vì lúc đó tôi chịu trách nhiệm là buồng trưởng… sai phạm của cá nhân tôi là không giữ được trật tự nội quy trong buồng giam" - ông Mưu Quý Sường viết.

Nhưng tội giết vợ, ông Sường nhất quyết không nhận: "Tôi viết đơn khiếu nại việc cơ quan Công an tỉnh Bắc Giang và Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) ra lệnh bắt giam và tạm giam tôi về tội giết người. Thời gian tạm giam 7 năm 4 tháng là oan sai không đúng với pháp luật". Vì thế, sau khi ra tù, ông Sường cùng bà Cú nhiều năm liền đi gõ cửa kêu oan khắp nơi.

"Chúng tôi rau cháo qua ngày, lúc nào ông Sường cũng dặn tôi phải cố gắng kêu oan, để không mang tiếng với người đời" - bà Cú nói với chúng tôi, mặt chưa hết đăm chiêu khi nhớ lại cảnh người làng kỳ thị gia đình bà.

"Nỗi oan sai là món nhục truyền kiếp"

40 năm mang án oan giết vợ (bài 2): Lời trăn trối oan ức của người đã khuất - Ảnh 3.

Ông Mưu Quý Sường (SN 1944, mất năm 2013) là trường hợp thứ 2 được bồi thường do mang án oan tại Bắc Giang những năm gần đây. Trong ảnh: bà Vi Thị Cú - người vợ thứ 2 của ông Sường bên di ảnh của chồng. Ảnh: N.Đ

Ở tù 11 năm, đến ông Sường còn không rõ lý do mình được tha. Người làng chỉ biết "thằng Sường" mãn hạn tù về quê. Sau khi lập gia đình, vợ chồng bà Cú làm đơn kêu oan gửi tới Công an tỉnh Bắc Giang, Viện KSND. 

Giữa năm 2008, ông Sường nhận được văn bản của Công an tỉnh Bắc Giang trả lời: "Năm 1977, Công an tỉnh Hà Bắc cũ có bắt giam ông về tội giết người và tại Điều 19 Nghị quyết 388 về các trường hợp quy định tại Điều 1 thì thời hiệu của ông đã hết thời hiệu giải quyết". Nhận được văn bản này, ông Sường bà Cú như bị "dội một gáo nước lạnh".

Đến cuối năm, đến Viện KSND tỉnh Bắc Giang cũng có công văn trả lời: "Năm 1977, ông bị Công an tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) bắt oan sai là tình nghi ông đã giết vợ là có cơ sở vì kết thúc điều tra, cơ quan CSĐT không có đủ căn cứ để kết luận ông đã phạm tội giết người. Còn việc ông yêu cầu bồi thường oan sai thì đã hết thời hiệu giải quyết". 

Chí ít, đến lúc này Viện KSND tỉnh Bắc Giang cũng đã nhận định việc ông Sường bị bắt là "bắt oan sai là có cơ sở".

Ông Sường và bà Cú tiếp tục nỗ lực kêu oan. Một buổi tối mùa thu năm 2008, bà Cú xem tivi và biết đến trường hợp của tử tù Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh mang thân phận tử tù đã 43 năm mà vẫn được minh oan. Bà Cú mò mẫm nhờ người tìm đến nhà ông Thêm để hỏi cách kêu oan.

"Sau khi nghe xong câu chuyện của gia đình tôi, gia đình ông Thêm động viên chúng tôi cố gắng tiếp tục đi kêu oan và hướng dẫn nên gửi đơn đi những đâu, làm những gì. Họ cũng giới thiệu luật sư cho chúng tôi. Sau buổi gặp này chúng tôi càng có thêm niềm tin về việc đi kêu oan" - bà Cú nói.

Từ cơ quan Công an, Viện KSND, ông Sường, bà Cú gõ tiếp cửa Quốc hội, Thanh tra Chính phủ rồi cả cơ quan Kiểm sát. Cứ chỗ nào có chút hy vọng, ông bà đều bấu víu vào. Với thiên hạ, lúc này ông Sường vẫn mang cái tội giết vợ. Bao nỗi ê chê, nhục nhã, tiếng xấu của thiên hạ vẫn cứ đổ dồn vào gia đình ông. 

Bà Cú tiết lộ, đây cũng là một trong những lý do ông Sường không dám đón hai người con ở Trung Quốc về. Vì với nhà ngoại, ông vẫn là người mang tội. Ở vai trò người bố, ông giải thích thế nào với các con về "tội danh oan uổng" đang mang trên người? Năm 2014, ông Sường ốm rồi mất, chết mà chưa được minh oan.

Anh Mưu Quý Lợi - con trai ông Sường nhắc lại lời dặn của bố trước lúc mất: "Nỗi oan sai, khổ tâm, tiếng xấu của bố là món nợ nhục nhã truyền kiếp đối với gia đình, cho các con, các cháu sau này, nếu các con không minh oan được cho bố thì bị người đời coi khinh và chính quyền mặc cảm hết đời này sang đời khác không rửa được đâu. Các con phải cố kêu oan, minh oan cho bố".

Nghe lời bố, anh Mưu Quý Lợi tiếp tục hành trình kêu oan cho người tù oan mang tiếng giết vợ. 

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem