ACB báo lãi đạt hơn 15.000 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 6.209 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng kinh doanh khác cũng theo đà "khởi sắc" trong quý này. Cụ thể, hoạt động kinh doanh chứng khoán của ACB đã thoát lỗ, trong đó chứng khoán đầu tư đem về tới 882 tỷ đồng, còn chứng khoán kinh doanh là 68 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ lần lượt gần 40 tỷ và hơn 1,5 tỷ đồng. Lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng gấp hơn ba lần, đạt 316 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng nhẹ từ 123,8 tỷ lên hơn 147 tỷ đồng.
Trong kỳ, dù ACB tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng từ 90,4 tỷ lên hơn 520,6 tỷ đồng - tương ứng tăng gần 6 lần nhưng ngân hàng này vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.037 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, ACB báo lãi hợp nhất trước thuế đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. So với chỉ tiêu 20.058 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, ACB đã thực hiện được 75% kế hoạch kinh doanh này.
Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,21% sau 9 tháng
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản Ngân hàng tăng 7% so với đầu năm, lên mức 648.509 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 23% (còn 6.552 tỷ đồng), tiền gửi tại ngân hàng nhà nước giảm 9% (còn 12.405 tỷ đồng), tiền gửi tại các khác tổ chức tín dụng tăng 16% (95.134 tỷ đồng). Cho vay khách hàng tăng 8,7% lên 449.751 tỷ đồng
Đáng chú ý, cơ cấu cho vay của ACB cho thấy, nợ xấu (nợ dưới tiêu chuẩn; nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) tại thời điểm cuối quý III tăng từ 3.044 tỷ lên 5.400 tỷ đồng.
Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 442 tỷ lên gần 1.045 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng từ 437 tỷ lên hơn 1.014 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ 2.165 tỷ lên hơn 3.341 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% lên 1,21% sau 9 tháng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/10, giá cổ phiếu ACB tăng 0,46% lên 21.900 đồng/cổ phiếu.