Ấm tình người trong “biệt thự danh nhân”

Khánh Đăng Thứ tư, ngày 17/02/2021 07:00 AM (GMT+7)
NSƯT Chiều Xuân đón chúng tôi ở nhà riêng trong căn biệt thự 65 Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội). Đây là ngôi biệt thự được xây từ thời Pháp, thường được gọi là "biệt thự danh nhân" và từng có một lịch thăng trầm đầy "tính tiểu thuyết".
Bình luận 0

"Chung cư" 65 Nguyễn Thái Học từng là nơi sinh sống của những tên tuổi trứ danh làng văn hoá – nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX như: Các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sĩ Đỗ Nhuận (bố chồng của nghệ sĩ Chiều Xuân), các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... Ngoài ra, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hoạ sĩ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng... cũng từng lưu lại dấu ấn ở ngôi nhà này.

Các văn nghệ sĩ nổi tiếng từng sống trong ngôi nhà này với bao nỗi niềm trăn trở cho việc sáng tạo nghệ thuật, bao nỗi lo toan cho cuộc sống đời thường và cả những hạnh phúc bình dị riêng có của người nghệ sĩ. Và hơn cả, biết bao tác phẩm lớn, giá trị đã "khai sinh" tại ngôi nhà này.

(xuan) Ấm tình người trong “biệt thự danh nhân” - Ảnh 1.

"Tôi nghĩ rằng, mình phải giữ lại những giá trị của ngôi nhà này để mai sau con cháu gắn bó với nó như một địa danh lịch sử. Vì ở đây đã trải qua rất nhiều thăng trầm, gắn với nhiều người tài danh của đất nước".

NSƯT Chiều Xuân

1. Chiều Xuân vốn là con gái của làng Thuỵ Khuê (Tây Hồ, Hà Nội). Thời đó, từ làng Thụy Khuê lên phố Nguyễn Thái Học được gọi là từ "ngoại thành" ra "phố thị". Vì lẽ đó, trước khi chính thức về làm vợ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và làm dâu của nhạc sĩ Đỗ Nhuận năm 1987, chị chưa hề đặt chân đến ngôi biệt thự văn nghệ sĩ này lần nào. Và đó cũng là lý do mà khi bước chân lên những bậc cầu thang của ngôi biệt thự kiểu Pháp này, Chiều Xuân đã hết sức choáng ngợp.

Nữ nghệ sĩ kể, khi bước chân vào không gian sống của gia đình nhà chồng ở ngôi biệt thự này, chị có cảm giác như mọi thứ đều rất xưa cũ. Ấn tượng đầu tiên là khung cửa bằng gỗ quý, đen nhánh, sừng sững và vô cùng đẹp. Bên cạnh là hai chiếc tủ bằng gỗ lim, bên trong đựng sách và một số đồ lưu niệm. Cho đến bây giờ, vợ chồng chị vẫn giữ nguyên vẹn hai chiếc tủ và những kỷ vật mà bố mẹ đã để lại. Trong góc nhà lúc đó còn có chiếc đàn piano mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sử dụng để sáng tác âm nhạc.

"Ở ngôi nhà này, khi tôi chuẩn bị sinh con gái đầu lòng, bố mẹ chồng đã quây cho tôi một góc gần cửa sổ. Cạnh cửa sổ có cây bàng trổ tán rất lớn. Hàng ngày, các cụ già thường ngồi hóng mát dưới gốc bàng và đám trẻ con trong ngõ ra chơi đùa mỗi tối. Nhiều khi tôi không cần phải xuống dưới đó mà chỉ ngắm qua cửa sổ thôi cũng đã cảm thấy thật nhẹ nhàng, thư thái. Riêng góc phòng của vợ chồng tôi lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng xiên vào phòng làm cho mọi thứ trở nên bừng sức sống. Hồng Mi - con gái đầu lòng của tôi đã được sinh ra trong không gian như thế" - NSƯT Chiều Xuân nhớ lại.

2. 33 năm gắn bó với ngôi nhà này, mỗi lần nhắc nhớ về những kỷ niệm xưa cũ, nghệ sĩ Chiều Xuân vẫn còn cảm giác bồi hồi. Bồi hồi bởi những ngày đầu về làm dâu, khi biết mình được sống trong ngôi nhà có rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, chị đã cảm thấy vô cùng tò mò và hạnh phúc. Chị vẫn nhớ, ở dưới tầng 1 lúc đó là phòng của hoạ sĩ Mai Văn Hiến, đối diện với phòng bố mẹ chồng chị là phòng hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh, trên gác là không gian sống của các hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…

(xuan) Ấm tình người trong “biệt thự danh nhân” - Ảnh 3.

Gia đình NSƯT Chiều Xuân trong căn phòng ở khu nhà 65 Nguyễn Thái Học. Ảnh: N.S

NSƯT Chiều Xuân kể: "Lúc tôi về đây làm dâu, các cụ Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương… vẫn còn mạnh khoẻ và cần mẫn sáng tác nghệ thuật. Cụ Nguyễn Sáng lúc nào tôi gặp cũng thấy trong trạng thái khật khừ. Cụ Nguyễn Tư Nghiêm là bậc thầy về mỹ thuật nhưng sống rất giản dị. Quanh năm suốt tháng chỉ thấy cụ đi chiếc xe đạp cọc cạch. Lúc tôi về ở nhà 65, cụ Mai Văn Hiến vẫn còn rất khỏe mạnh. Cụ rất hay hỏi thăm tôi mỗi khi gặp. Cụ khen con dâu ở khu nhà này ai cũng xinh xắn, nhẹ nhàng...".

Trong ký ức của nữ nghệ sĩ sinh năm 1967, cuộc sống ở ngôi nhà chung thời đó rất nhộn nhịp vì có nhiều thế hệ chung sống. Các văn nghệ sỹ dù sống tằn tiện, khắc nghiệt, đôi khi khá lập dị nhưng lại ăm ắp nghĩa tình. Đặc biệt, họ sống trong thế giới riêng của mình rất nhiều, không vội vàng, ồn ào.

3. Nhịp sống ở ngôi biệt thự kiểu Pháp này đã thay đổi rất nhiều kể từ khi lớp người trước đi xa. Người đến, người đi cũng làm cho ngôi nhà này ít nhiều bị xáo trộn. Tuy nhiên, 33 năm sống ở ngôi nhà này, Chiều Xuân vẫn giữ gần như nguyên vẹn những ký ức và kỷ niệm. Vợ chồng chị cũng chưa bao giờ muốn rời xa ngôi nhà thân thuộc này.

"Có ở đây lâu mới thấy ngôi nhà có những điều rất thiêng liêng. Mấy năm trở lại đây, mỗi khi có nhà khác chuyển đi, chúng tôi đều mua lại những căn phòng của họ. Mua lại rồi, chúng tôi sửa chữa để ngôi nhà trở lại với dáng dấp ngày xưa. Điều đó làm chúng tôi rất thích thú và cảm thấy trân quý" - NSƯT Chiều Xuân chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem