Xung đột biên giới Trung - Ấn: Ấn Độ bắt đầu trả đũa kinh tế

29/06/2020 17:49 GMT+7
Cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang có dấu hiệu lan sang mặt trận thương mại song phương khi chính phủ Ấn Độ mới đây xem xét áp đặt thuế quan cao hơn với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và nhiều rào cản thương mại khác kèm theo.
Xung đột biên giới Trung - Ấn: Ấn Độ bắt đầu trả đũa kinh tế - Ảnh 1.

Mạng xã hội Ấn Độ lan truyền nhiều thông điệp "tẩy chay Trung Quốc" sau vụ xung đột biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng

Các biện pháp mới nhất được chính phủ Ấn Độ thông qua bao gồm chỉ thị cấm sử dụng thiết bị viễn thông từ các nhà cung cấp Trung Quốc bao gồm Huawei. Theo nguồn tin của tờ Nikkei Asian Review, lĩnh vực sản xuất ô tô của Trung Quốc cũng đang lọt vào tầm ngắm của chính phủ Ấn Độ.

Nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng cho hay các nhà hoạch định chính sách nước này đang xem xét các động thái trừng phạt khác nhau với doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ đã được cảnh báo không sử dụng thiết bị viễn thông từ các nhà cung cấp Trung Quốc là Huawei và ZTE trong dự án nâng cấp chuyển đổi cơ sở hạ tầng mạng 4G hoặc 5G thí điểm.

Chính phủ Ấn Độ hiện cũng bắt đầu thảo luận áp đặt mức thuế cao hơn với các loại thiết bị điều hòa không khí, phụ tùng ô tô, nội thất và hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc, tờ Bloomberg đưa tin. Các quy tắc chất lượng sản phẩm chặt chẽ hơn hiện cũng đang được đề xuất áp dụng với 370 sản phẩm bao gồm hóa chất và thép.

Làn sóng ngăn cản thương mại và đầu tư đã diễn ra sau cuộc xung đột biên giới ở khu vực Ladakh, Himalaya đối diện Tây Tạng khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Lâu nay, hai quốc gia vẫn thỉnh thoảng xảy ra đụng độ tại khu vực biên giới kéo dài 3.500km. Cuộc tranh chấp mới đây là lần xung đột tồi tệ nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Trong khi truyền thông Trung Quốc rất ít đề cập đến vụ việc và không làm rõ con số thương vong, truyền thông Ấn Độ lại rầm rộ đưa tin về xung đột. Hàng loạt tin tức xuất hiện trên các trang mạng xã hội đã thúc đẩy một làn sóng tẩy chay Trung Quốc, khiến nhiều nhãn hàng Trung Quốc “gặp hạn”.

Một số doanh nhân theo chủ nghĩa thực tế trong cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ đã cho hay sự trả đũa quá mức nhắm vào các công ty Trung Quốc có thể gây ra hậu quả nặng nề, bởi nhiều lĩnh vực sản xuất tại Ấn Độ gần như không thể hoạt động nếu không có các linh kiện, sản phẩm từ Trung Quốc.

Harsh Pant, một chuyên gia nghiên cứu từ Tổ chức Observer Research Foundation cho hay: “Không thể loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc ra khỏi tất cả các ngành công nghiệp Ấn Độ. Hàng hóa Trung Quốc hiện dẫn đầu trong kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2018, chiếm tới 14% tổng giá trị nhập khẩu”.

Các nhà quan sát nhận định sau cuộc đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong, Thủ tướng Narendra Modi không thể bày tỏ lập trường yếu đuối trước Bắc Kinh do sức ép của dư luận trong nước. Nhưng rủi ro ngăn chặn làn sóng đầu tư từ Trung Quốc có thể sẽ làm tổn thương nặng nề nền kinh tế vốn đã suy yếu của Ấn Độ. Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF mới đây vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm 2020 xuống mức -4,5%, đánh dấu sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ cuối thập niên 70 đến nay. Không thể phủ nhận, nỗ lực phong tỏa quốc gia nhiều tháng trời để kiểm soát sự lây lan dịch Covid-19 của chính phủ Ấn Độ đã và đang khiến nền kinh tế nước này phải trả giá đắt.

Cho đến nay, Ấn Độ báo cáo hơn 500.000 ca nhiễm Covid-19, chủ yếu là người dân nghèo, Trong khi chính phủ vẫn đang thực hiện lệnh phong tỏa quốc gia, nhiều nhà máy và nhà hàng đã được phép mở cửa trở lại nhằm giảm thiểu tổn thất kinh tế cho đất nước.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục