Ấn Độ cũng tham gia cuộc "thanh trừng" Huawei

12/03/2021 15:44 GMT+7
Tờ SCMP dẫn lời hai nguồn tin cho hay Ấn Độ có khả năng sẽ chặn các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước sử dụng thiết bị viễn thông sản xuất bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei.

Theo hai nguồn tin thân cận của SCMP, New Delhi đang ngày càng cảnh giác trong vấn đề kinh doanh công nghệ mới với các công ty Trung Quốc khi lo ngại an ninh tăng cao và căng thẳng Trung - Ấn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính quyền Tổng thống Narendra Modi cũng được cho là mong muốn thúc đẩy các nhà sản xuất Ấn Độ tự lực hơn trong việc sản xuất thiết bị viễn thông phục vụ thị trường trong nước.

Ấn Độ cũng tham gia cuộc "thanh trừng" Huawei - Ảnh 1.

Ấn Độ cũng tham gia cuộc "thanh trừng" Huawei

Khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tại chức, chính quyền Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen, viện dẫn quan ngại an ninh quốc gia để áp đặt hạn chế xuất khẩu với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn mới Huawei phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp giấy phép xuất khẩu, và chỉ được xuất khẩu những mặt hàng không gây rủi ro an ninh quốc gia. Vào thời điểm gần hết nhiệm kỳ, ông Trump tiếp tục bồi thêm đòn giáng lên Huawei qua một sắc lệnh chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu với hãng viễn thông Trung Quốc. Sắc lệnh này buộc các nhà sản xuất sử dụng công nghệ hoặc thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Mỹ cho phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Kể từ đó đến nay, việc bị siết nguồn cung chip đã đẩy Huawei vào tình cảnh khó khăn.

Huawei và ZTE từ lâu đã rơi vào tầm ngắm của Washington do cáo buộc cài đặt cửa hậu trong các thiết bị viễn thông để phục vụ công tác gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Cả hai tập đoàn từng nhiều lần phủ nhận cáo buộc, nhưng điều này không làm giảm bớt mối quan ngại của chính phủ Mỹ.

Khi căng thẳng Trung - Ấn leo thang, New Delhi đang xem xét áp dụng chiến lược tương tự với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Các quan chức viễn thông Ấn Độ trong tuần này tuyên bố sau ngày 15/6, các nhà mạng chỉ được nhập khẩu một số thiết bị nhất định từ những nguồn cung đáng tin cậy được chính phủ cấp phép, đồng thời cảnh báo một danh sách đen các nguồn không được nhập khẩu. Theo hai nguồn tin của SCMP, Huawei nhiều khả năng sẽ bị đưa vào danh sách này.

“Chúng tôi không thể ưu tiên lợi ích kinh tế nếu một khoản đầu tư gây ra rủi ro về an ninh quốc gia,” một trong những nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho hay.

Một nguồn tin khác thì cảnh báo ZTE, một công ty viễn thông Trung Quốc khác từng bị Mỹ đưa vào danh sách đen cũng có thể bị New Delhi giáng đòn.

Hai trong số ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của Ấn Độ, Bharti Airtel và Vodafone Idea đều sử dụng lượng lớn thiết bị của Huawei. Các nhà phân tích trong ngành cho biết, bất kỳ hạn chế nào đối với thiết bị Huawei đều có thể đẩy chi phí viễn thông tại quốc gia Đông Á này lên cao. Nguyên nhân là do các thiết bị viễn thông từ các nhà sản xuất Trung Quốc thường có giá rẻ hơn tương đối so với các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu như Nokia và Ericsson.

Nếu lệnh cấm của Ấn Độ được áp dụng, đó sẽ là đòn giáng nặng nề tiếp theo với Huawei. Trong tuần này, chính quyền Tân Tổng thống Mỹ đã có động thái sửa đổi giấy phép kinh doanh của các đối tác cung cấp hàng hóa linh kiện cho gã khổng lồ Huawei của Trung Quốc, theo đó siết chặt hơn nữa các hạn chế trong việc cung cấp linh kiện thiết bị 5G.

Các giấy phép xuất khẩu ban đầu được ban hành bởi Bộ Thương mại Mỹ sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu hồi tháng 5/2019 bởi các quan chức chính quyền Trump. Thay đổi trong tuần qua của chính quyền Biden với các giấy phép này đã siết chặt hơn những hạn chế xuất khẩu như vậy. Bằng động thái mạnh tay như vậy, ông Biden có vẻ đang muốn dập tắt kỳ vọng của gã khổng lồ công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei về một cơ chế dễ thở hơn khi ông Trump rời nhiệm sở.


NTTD
Cùng chuyên mục