Ấn Độ "khóa chặt" quốc gia đến 3/5
Lệnh phong tỏa 21 ngày ban đầu mà chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đưa ra sẽ kết thúc vào hôm 14/4. Nhưng ngay trước khi dỡ bỏ phong tỏa, vị Thủ tướng đã tuyên bố kéo dài thời gian “khóa chặt” quốc gia đến ngày 3/5 khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại Ấn Độ tiếp tục tăng lên từng ngày.
Thủ tướng Narendra Modi cho hay biện pháp phong tỏa quốc gia nhằm mang lại sự an toàn cho người dân bất chấp sự đánh đổi lớn về lợi ích kinh tế. Ông cho rằng Ấn Độ cần thận trọng hơn hết trong việc kiểm soát những điểm nóng dịch bệnh. “Chúng tôi sẽ phải theo dõi chặt chẽ và nghiêm ngặt những khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng dịch bệnh. Việc phát sinh những ổ dịch điểm nóng mới sẽ là thách thức lớn với đất nước”.
“Một số khu vực ít có khả năng trở thành điểm nóng dịch bệnh có thể sẽ được phép dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa một cách thận trọng. Nhưng nếu những rủi ro mới về nguy cơ bùng phát dịch xuất hiện, việc dỡ bỏ phong tỏa sẽ bị hủy.” Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết về việc dỡ bỏ phong tỏa một phần vào 15/4.
Thủ tướng Modi cũng gửi lời cảm ơn người dân Ấn Độ vì đã tuân thủ lệnh phong tỏa bất chấp những khó khăn kinh tế. Ông cũng đảm bảo Chính phủ có đủ nguồn cung dự trữ thuốc men, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong suốt thời gian phong tỏa.
Trước bài phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi, nhiều tiểu bang như Tây Bengal đã công bố kéo dài lệnh phong tỏa do tình hình dịch bệnh phức tạp. Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal hôm 11/4 tuyên bố trên Twitter rằng thành phố này sẽ thực hiện phong tỏa thêm ít nhất 2 tuần nữa để bảo đảm an toàn cho người dân.
Bất chấp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như vậy, các ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng mạnh ở Ấn Độ. Tính đến sáng 14/4, Bộ Y tế nước này báo cáo 10.363 ca nhiễm Covid-19 và 339 ca tử vong, với 1.035 ca điều trị phục hồi đã xuất viện.
Việc phong tỏa quốc gia thời gian dài dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến các hộ gia đình có thu nhập thấp và những lao động làm công ăn lương hàng ngày - những người có nguy cơ mất việc mà không có khoản thu nhập hay trợ cấp nào khác trong suốt hơn một tháng phong tỏa đất nước. Cho đến nay, hầu hết các cơ sở doanh nghiệp thương mại, nhà máy đã đóng cửa. Chỉ các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu như cửa hàng tạp hóa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, trạm xăng dầu được phép hoạt động.
Để xoa dịu những thiệt hại kinh tế và hỗ trợ các hộ nghèo trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói kích thích tài khóa trị giá 22,5 tỷ USD thông qua biện pháp chuyển tiền trực tiếp đến người dân cũng như đảm bảo an ninh lương thực. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn sẽ chịu hệ lụy nặng nề từ việc phong tỏa quốc gia hơn 1 tháng ròng rã. Trước khi đại dịch bùng phát, kinh tế Ấn Độ vốn đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 6 năm vào quý IV/2019.
Priyanka Kishore, chuyên gia kinh tế phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và Ấn Độ tại Oxford Economic mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 của Ấn Độ xuống -1% từ mức tăng trưởng 4,4% trong dự báo trước đó.
“Việc hạ dự báo tăng trưởng không chỉ phản ánh tác động to lớn của các biện pháp phong tỏa quốc gia có khả năng kéo dài đến cuối quý II, mà còn cho thấy nền kinh tế vốn đã giảm tốc và các biện pháp kích thích kinh tế hạn chế của chính phủ Ấn Độ”- cô Priyanka Kishore nhận định.