Áp lực từ Fed tăng lãi suất: Giữ ổn định tiền tệ là cốt lõi
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tiếp để đối phó với lạm phát sẽ gây áp lực tới tỷ giá, làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ biến động theo. Tỷ giá đồng Việt Nam (VND) so với đô la Mỹ (USD) sẽ tăng do giá trị USD đang tăng, điều này thuận lợi cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, với áp lực từ Fed tăng lãi suất thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó, giữ ổn định tiền tệ là cốt lõi. Nếu duy trì tương đối tỷ giá VND/USD thì chỉ số lạm phát cơ bản sẽ ở mức thấp, kìm giữ giá các hàng hóa khác, bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp từ nay đến cuối năm và cả những năm tiếp theo.
Để duy trì tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đang can thiệp bằng nhiều biện pháp, trong đó có can thiệp bằng bán USD trong thời gian gần đây. Thực tế, với dự trữ ngoại hối khá dồi dào, Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực can thiệp thị trường để duy trì tỷ giá tương đối.
Trong dài hạn, USD sẽ sớm ổn định. Giữ tỷ giá bảo đảm lạm phát cơ bản ổn định, từ đó, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát chung dưới 4% đi đôi với bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng… Trước bối cảnh hiện tại, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD đã tăng tới 7% so với cuối năm 2021 (tức VND đã mất giá 7%). Tuy nhiên, động thái này cũng nằm trong diễn biến chung của các đồng tiền trên thế giới so với USD và thực tế đồng Việt Nam đang mất giá ít hơn.
Cụ thể, số liệu tỷ giá cập nhật mới nhất so với tháng 12/2021 cho thấy USD tăng 17,4%, Euro giảm 14%, Bảng Anh giảm 17,1%, Franc Thụy Sỹ giảm 10,8%, Yên Nhật giảm 28,6%, Nhân dân tệ (Trung Quốc) giảm 14,6%, Won (Hàn Quốc) giảm 19,6%, Baht (Thái Lan) giảm 13,5%, Rupiad (Indonesia) giảm 10,4%...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh quốc tế đặt ra áp lực không chỉ đối với Việt Nam mà là áp lực với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo Thống đốc, khi chúng ta hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới là chúng ta đã sẵn sàng tâm thế, chủ động ứng phó với những biến động của thị trường quốc tế.
Thực tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động, phản ứng kịp thời, nhờ vậy, thị trường ngày càng diễn biến tích cực, tâm lý thị trường cũng đã được ổn định.
Thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng một trong những vấn đề quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành phải chủ động, tăng cường dự báo, phân tích tình hình, cập nhật liên tục những diễn biến mới để chủ động điều hành đồng thời cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách.
Hiện nay, Thủ tưởng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm trọng điểm, điều đó sẽ giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên trì các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5 - 1% lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm, vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá. Với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá 10 - 15% trong năm 2022.
Trước đó, ngày 2/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, một động thái điều tiết chính sách lãi suất nhằm nỗ lực làm chậm đà tăng lạm phát.
Theo đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản của Fed lên khoảng 3,75% đến 4%.
Đây là lần tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp của Fed và lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng 3.
Khi Fed tăng phạm vi lãi suất cơ bản, lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng tăng theo. Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.
Lần tăng lãi suất mới nhất của Fed sẽ gây thêm áp lực tài chính lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ mà một số chuyên gia tin rằng đang trên đà suy thoái. Việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút lại kế hoạch đầu tư, hai yếu tố chính có thể làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.